“Bắt bệnh” sự lệch lạc của thị trường tài chính

(ĐTCK) Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn đã chỉ ra những yếu tố để “bắt bệnh” thị trường tài chính Việt Nam trong Cuộc hội thảo tại HOSE tuần qua, khi Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng đặt câu hỏi cảm nhận của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về thị trường vốn.

Ông Ngoạn cho rằng, nếu không cải cách, không khơi thông thị trường vốn thì Việt Nam không thể duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP cao trong tương lai.

14

Rủi ro từ sự lệch lạc

Đặt câu hỏi Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia có lo không khi tương quan kênh huy động vốn dài hạn và ngắn hạn tại Việt Nam quá lệch, lượng vốn dài hạn cung ứng từ TTCK rất hạn chế so với vốn dài hạn cung ứng từ các ngân hàng thương mại, ông Ngoạn đã chia sẻ một góc nhìn rộng hơn câu chuyện ở Việt Nam.

“Tại châu Á, các chuyên gia kinh tế nhận định: kinh tế châu Á có tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của 30 năm qua trong 30 năm tới hay không và có giữ được kỳ vọng là kỷ nguyên châu Á trong những thập kỷ tới đây không, phụ thuộc vào việc châu Á có cải cách thị trường tài chính không”, ông Ngoạn nói. Thị trường tài chính châu Á nói chung còn kém xa so với thị trường tài chính châu Âu và Mỹ.

Vậy thực trạng Việt Nam ra sao? Theo ông Ngoạn, điểm đáng quan ngại là dòng vốn trong nền kinh tế phần lớn là vốn ngân hàng, mà ở đó lại chủ yếu là vốn ngắn hạn, chiếm 80% tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng. “Nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng chiếm khoảng 65%, nhưng con số này chưa tính tới trái phiếu”, ông Ngoạn nói.

Trong khi đó, trái phiếu lại chủ yếu do các tổ chức tín dụng đầu tư, 90% thị trường trái phiếu là của tổ chức tín dụng. Dẫn con số này, ông Ngoạn cho rằng, nền kinh tế nước ta có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, xét về mặt kỳ hạn.

“Một thị trường tài chính dựa chủ yếu vào vốn ngân hàng đã là sự yếu kém, lại chủ yếu dựa vào vốn ngắn hạn nữa, thì càng yếu kém, rủi ro hơn”, ông Ngoạn nói. Chưa hết, nền kinh tế Việt Nam từng có giai đoạn vốn ngân hàng chảy rất mạnh vào bất động sản và chứng khoán.

Theo Ủy ban Giám sát, năm 2011, vốn từ ngân hàng sang các CTCK lên đến trên 50.000 tỷ đồng. Có rất nhiều hình thức vay trá hình như bằng hợp đồng hợp tác, hợp đồng đầu tư, nội dung ngân hàng cho CTCK cung ứng nguồn vốn cả chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán. Nếu sau 1 năm không mua được chứng khoán cho ngân hàng thì CTCK phải trả gốc và lãi cho ngân hàng…

”Thời kỳ đó, chỉ có khoảng 10.000 tỷ đồng là ngân hàng cho CTCK vay theo chính thức, còn lại 40.000 tỷ đồng là cho vay trá hình”, ông Ngoạn nói.

Chính việc cho vay ồ ạt này đã góp phần không nhỏ thổi bùng TTCK, đẩy VN-Index lên trên 1.100 điểm vào năm 2007, để rồi sau đó rơi vào suy thoái trầm trọng. Hàng vạn nhà đầu tư thua lỗ, hàng chục CTCK mất hết vốn chủ sở hữu, nhiều ngân hàng có nợ xấu, nợ không thể thu hồi tăng vọt…

“Hiện nay chúng ta đang dần khắc phục khi quyết tâm tách bạch và hạn chế dòng vốn ngân hàng đổ vào chứng khoán”, ông Ngoạn nói và cho rằng, với quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, thì hệ thống ngân hàng chỉ có thể rót tối đa 22.000 tỷ đồng cho vay đầu tư cổ phiếu

Cải cách điểm gì?

Theo ông Ngoạn, sự phát triển thị trường vốn nói riêng, thị trường tài chính nói chung cần thiết đến mức, nếu không có sự quan tâm đúng mức, Việt Nam sẽ không duy trì được tốc độ tăng GDP ở mức cao. “Tôi muốn gửi gắm nhận định này vào văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng sắp tới”, ông Ngoạn nói và mong rằng, với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu tại Hội thảo, quan điểm của Ủy ban Giám sát sẽ được tiếp thu và để trước hết cần thống nhất về tư tưởng về việc Việt Nam phải quyết tâm xây dựng thị trường tài chính, thị trường vốn, để khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế.

Nhưng thế nào là một thị trường vốn phát triển? Theo ông Ngoạn, có hai thông số để đánh giá/so sánh giữa các quốc gia là tỷ trọng vốn M2/GDP và tỷ trọng tổng tài sản tài chính so với GDP mỗi nước. “Tổng tất cả các tài sản tài chính ở châu Âu gấp 6 lần GDP, trong khi châu Á chỉ có 3 lần”, ông Ngoạn nói và cho biết, riêng Việt Nam, tỷ trọng này còn thấp xa hơn nữa..

Đánh giá hạ tầng tài chính, thế giới dựa trên 4 tiêu chí gồm: chính sách bảo vệ nhà đầu tư; chính sách xử lý phá sản; khả năng tiếp cận vốn của DN và năng lực thực thi pháp luật. “Một hạ tầng tài chính lành mạnh phải được xây dựng trên 4 tiêu chí trên. Nhìn trên mặt bằng này, thị trường tài chính Việt Nam có rất nhiều điểm bất cập”. Quan điểm của Ủy ban Giám sát là cần tập trung cải cách 4 yếu tố đánh giá hạ tầng tài chính. Đó chính là một phần của cải cách thể chế.

“Bắt bệnh đã rõ ràng, nhưng chữa bệnh ra sao, chúng tôi chờ đợi nỗ lực từ các nhà quản lý”, Chủ tịch SSI nói. Theo Chủ tịch SSI, nếu việc phát triển thị trường vốn được thấu hiểu, thống nhất về tư tưởng ở cấp cao nhất để từ đó có các giải pháp cụ thể, quyết liệt, Việt Nam sẽ cải thiện được tình trạng tụt hậu ngày càng thách thức hiện nay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *