Cả luật doanh nghiệp và luật đầu tư chờ hướng dẫn

Đến thời điểm hiện nay, rất nhiều văn bản hướng dẫn hai luật trên vẫn chưa được ban hành. Điều này đang dẫn đến một tâm lý lo ngại đối với nhiều DN.

Sẽ không có thông tư hướng dẫn

Sẽ không có thông tư hướng dẫn

 

Thực tế, hai luật trên sẽ có tổng cộng 8 văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, theo Bộ KH-ĐT, tính đến nay mới có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định các ngành công nghệ cao đã được ban hành. Ông Phan Đức Hiếu – Trưởng Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương) chấn an, về cơ bản, hệ thống đăng ký kinh doanh theo Luật DN (sửa đổi) đã sẵn sàng để triển khai. Các nghị định hướng dẫn có thể sẽ chậm một vài ngày sau khi Luật DN (sửa đổi) có hiệu lực. Nhưng so với thực tiễn ở Việt Nam, một nghị định ban hành chậm vài ngày đã là thành công. Đặc biệt, ông Hiếu cho biết, Luật DN (sửa đổi) sẽ không có thông tư hướng dẫn, mà chỉ có nghị định. Thông tư chỉ ban hành những biểu mẫu cần thiết chứ không có thêm quy định, có thể gọi là thông tư không có chữ.

Khi nói về các nghị định hướng dẫn, ông Quách Ngọc Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH-ĐT) cho biết, trong Luật Đầu tư (sửa đổi), các nội dung của luật quy định khá chi tiết và cụ thể. Do đó, hầu như chỉ cần có biểu mẫu là DN có thể thực hiện được ngay mà không cần thêm các hướng dẫn. Sẽ có các hướng dẫn nhưng cũng chỉ mang tính chất làm rõ hơn một số ít nội dung của luật. Hiện nay, Bộ KH-ĐT cũng đang đăng tải các dự thảo biểu mẫu và đang tích cực hoàn thiện để có thể có biểu mẫu chính thức được áp dụng vào1/7.

Tuy vậy, bộc bạch về sự phiền phức khi thiếu hướng dẫn, ông Đinh Hồng Kỳ – đại diện Cty Cổ phần Secoin phản ánh, có tình trạng thực thi quy định khác nhau ở từng tỉnh, thành. Ông dẫn chứng Cty ông xin đặt tên Secoin thì Sở KH-ĐT TP Hà Nội chấp thuận nhưng Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương không cho và bắt DN viết rời ra thành “Se Co In” để “đọc” được bằng tiếng Việt, không tách thì không cấp phép.

Ông Phan Đức Hiếu xác nhận, Cty Secoin phản ánh rất đúng về tình trạng hiện nay các địa phương hiểu máy móc tên DN phải “viết” và “đọc” bằng tiếng Việt. Luật DN 2014 đã bỏ quy định đọc được bằng tiếng Việt. Chỉ yêu cầu viết bằng chữ cái tiếng Việt.

Thủ tục rút ngắn tối đa

Khi nói về  Luật DN 2014, ông Phan Đức Hiếu giải thích, Luật mới ban hành đã thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013, giảm rủi ro và tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh cho DN. Theo đó, giấy chứng nhận đăng ký DN không bao gồm thông tin về ngành nghề kinh doanh của DN, mà chỉ có những thông tin cơ bản như mã số DN, địa chỉ trụ sở chính và thông tin về người đại diện theo pháp luật. Thông tin về ngành nghề kinh doanh dự kiến của DN do DN tự khai và lưu trong hồ sơ đăng ký DN.

Chỉ cần có biểu mẫu là DN có thể thực hiện được ngay mà không cần thêm các thông tư hướng dẫn.

Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho quá trình gia nhập thị trường, Luật DN đã có nhiều cải cách quan trọng, như: bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định trong hồ sơ đăng ký thành lập DN. Với những thay đổi như vậy, thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký DN hay thay đổi nội dung đăng ký DN sẽ rút xuống tối đa không quá 3 ngày.

Còn theo ông Quách Ngọc Tuấn, Luật Đầu tư 2014 đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Luật đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước (Điều 36), đơn giản hoá hồ sơ, trình tự, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài với thời hạn tối đa 15 ngày thay cho 45 ngày như trước đây (Điều 37).

Một điểm đáng chú ý nữa là việc cải cách quy trình thành lập DN của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng bãi bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để tách bạch hoạt động đầu tư theo dự án với hoạt động đăng ký kinh doanh. Theo hướng này, sau khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập DN tại cơ quan đăng ký kinh doanh như nhà đầu tư trong nước. Thực thi thế nào? Liệu các đơn vị triển khai có theo tinh thần thiện chí như luật hay không? Đây là những vấn đề các DN đang chờ thực tiễn trả lời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *