(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright khẳng định, sự sôi động của TTCK gắn liền với mức độ phát triển của mỗi quốc gia. Tại các quốc gia như Nhật, Đức, hệ thống tài chính chủ yếu dựa vào kênh huy động vốn qua ngân hàng thì TTCK vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện quy mô TTCK.

Vai trò huy động vốn cho nền kinh tế được các chuyên gia đánh giá đang dồn vào trụ cột thị trường tiền tệ. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?   

TTCK là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, nhất là ở những nền kinh tế phát triển. Cho dù hệ thống tài chính dựa vào kênh huy động vốn qua trung gian (gián tiếp) với vị trí thống lĩnh của các ngân hàng như Nhật hay Đức thì TTCK vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng. Sự sôi động của TTCK luôn gắn liền với mức độ phát triển của mỗi quốc gia.

TTCK Việt Nam sau 15 năm phát triển vẫn có quy mô rất khiêm tốn so với các thị trường trong khu vực. Theo số liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thì đến cuối năm 2014, giá trị thị trường của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam chỉ vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

So với TTCK Philippines, thị trường gần nhất trong bảng xếp hạng các TTCK châu Á thì tổng giá trị vốn hóa của cả hai sàn chứng khoán của Việt Nam cũng chỉ có quy mô khoảng 40%. Còn so với các thị trường khác trong châu lục thì quy mô của các sàn chứng khoán Việt Nam không đáng kể.

Vai trò đặc biệt quan trọng của TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp. Khi TTCK chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu huy động vốn cho các hoạt động đầu tư thì sẽ hạn chế quá trình phát triển của các DN Việt Nam nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Việc huy động vốn cho nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào kênh ngân hàng. Nói cách khác, việc huy động vốn chủ yếu qua kênh gián tiếp. Việc phụ thuộc vào các ngân hàng trong bối cảnh trong nước có quá nhiều ngân hàng quy mô nhỏ, vốn yếu và cạnh tranh không lành mạnh gắn với sở hữu chéo đã và sẽ để lại những hậu quả hết sức tai hại cho nền kinh tế.

Thiếu hụt nguồn cung chất lượng có là một trong những nguyên nhân khiến TTCK chưa thể trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn, thưa ông?

Cổ phần hoá các DNNN được xem là một trong những nguồn cung quan trọng để tạo ra một TTCK quy mô và năng động. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có sự không nhất quán về quan điểm, tư tưởng trong quá trình cổ phần hóa DNNN đã ảnh hưởng đến sự phát triển của TTCK.

Lấy một ví dụ cụ thể là việc cổ phần hoá Vietcombank (VCB). Đây là ngân hàng được chọn thí điểm cải cách khu vực ngân hàng, vừa là thử nghiệm cổ phần hoá DNNN lớn. Khi quyết định cổ phần hóa, Nhà nước muốn thực hiện theo quy trình lựa chọn NĐT chiến lược nước ngoài trước rồi mới tổ chức đấu giá công khai cho các NĐT trong nước. Nhưng VCB quyết định thực hiện ngược lại quy trình trên, do nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chỉ trả giá 40.000 đồng/CP, trong khi kế hoạch IPO đang nhận được sự quan tâm của nhiều NĐT trong nước.

Đáng chú ý là sau cổ phần hóa, tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước vẫn chiếm đa số tại VCB. Cụ thể, từ năm 2007-2011, Nhà nước sở hữu tới 90,72% vốn. Từ 2012-2014, với sự tham gia của đối tác chiến lược là ngân hàng Mizuho (15% vốn), tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước giảm, nhưng vẫn ở mức 77,1%. Dù là DN có giá trị thị trường lớn nhất nhưng quy mô giao dịch thực tế của cổ phiếu VCB là rất nhỏ. Do vậy, rất khó để nói rằng cổ phiếu của VCB là hàng hoá tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường cổ phiếu Việt Nam.

Kết quả, giá đấu trúng bình quân là 107.860 đồng/CP, CBCNV được mua với giá ưu đãi 65.000 đồng/CP. Nhưng chỉ sau 1 năm, TTCK lao dốc, thị giá cổ phiếu VCB loanh quanh mức 30.000 đồng/CP.

Với cơ cấu cổ đông như hiện tại, về cơ bản, VCB vẫn là DNNN và các quyết định quan trọng vẫn do Nhà nước quyết định.

Vậy góc nhìn của ông về sự phát triển của TTCK là như thế nào?

Khi TTCK Việt Nam mới được thành lập, những mục tiêu và bước triển khai ban đầu là rất tham vọng, theo các xu hướng của thời đại và thông lệ quốc tế, nhưng trong quá trình triển khai thực tế lại có những bước thụt lùi mà hệ quả là phát triển không được như kỳ vọng ban đầu.

Chẳng hạn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban đầu là cơ quan ngang bộ, nhưng đến năm 2004 thì trở thành cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính. Việc thêm cấp quản lý khiến TTCK gặp khó khăn trong việc phát triển. Đây có thể nói là bước thụt lùi, cần rút kinh nghiệm để không lặp lại sai lầm nữa nếu quyết tâm xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam.

Sắp tới, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, Việt Nam cần làm gì để tăng khả năng cạnh tranh cũng như tính kết nối với các TTCK trong khu vực, thưa ông?

Về khía cạnh quản lý, hai bộ máy cũng sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn một bộ máy. Ngoài ra, nếu tồn tại cả 2 Sở GDCK, có thể sẽ có sự “cạnh tranh ngầm” giữa hai sở với nhau. Nhưng nên nhớ, đối thủ cạnh tranh chính của TTCK Việt Nam là các TTCK trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Thái Lan…, nên hợp nhất là cần thiết, nhưng hợp nhất như thế nào để hiệu quả là công việc quan trọng, chứ không thể thực hiện theo cảm tính.

Kế hoạch hợp nhất hai sở GDCK làm một đang được đặt ra. Việc hợp nhất này là cần thiết, nhất là trong việc tạo sự kết nối với 5 nước ASEAN khác theo thỏa thuận trong việc hình thành AEC. Ngoài ra, việc hợp nhất hai Sở, quy mô thị trường lớn hơn, cầu và thanh khoản chắc chắn sẽ cao hơn.