Chờ dòng tiền lớn nhập cuộc

(ĐTCK) Kỳ vọng sửa Thông tư 36, sắp nới room… là những thông tin nhà đầu tư truyền tai nhau để lý giải cho sự bùng nổ mạnh mẽ trong phiên giao dịch ngày 20/5. Tuy nhiên, sự hứng khởi này là chưa có cơ sở vững chắc và TTCK Việt Nam được nhìn nhận sẽ tiếp tục chịu thử thách nếu muốn vượt lên.
8
Tiền đối phó

Diễn biến tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 20/5 không khiến nhiều nhà đầu tư bám sàn tin tưởng về một sự hứng khởi kéo dài, bởi họ chưa nhìn thấy dòng tiền đủ lớn trên thị trường. Tác động của những quy định hạn chế tiền ngân hàng chảy vào chứng khoán trong Thông tư 36 đang thực sự ngấm vào thị trường. Trong vòng 6 tháng qua, thanh khoản thị trường đã giảm mạnh gần 3/4 từ mức 3.000 – 4.000 tỷ đồng/phiên giao dịch xuống còn 1.000 – 1.500 tỷ đồng/phiên.

Trong suốt quãng thời gian đó, thị trường cũng không có những con sóng đủ lớn để nhiều nhà đầu tư có thể kiếm được tiền. Từ diễn biến thực tế cộng thêm tâm lý nhà đầu tư không được củng cố khi thấy động thái thắt chặt dòng tiền, đã khiến chứng khoán ảm đạm dù kinh tế vĩ mô đang có những chuyển biến tốt.

Trong khi đó, những diễn biến trên thị trường bất động sản gần đây cho thấy, đang có sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư. Lãi suất tiền gửi thấp, trung bình chỉ đạt 5%/năm, đã kích hoạt dòng vốn nhàn rỗi của người dân nhập cuộc thị trường bất động sản. Nếu như cùng thời gian này năm ngoái, người mua nhà đất chủ yếu có nhu cầu ở thực thì nay, một tỷ lệ khá lớn dành cho đầu tư. Bên cạnh cho thuê, nhà đất còn có nhiều cơ hội tăng giá, đồng thời là kênh giữ tiền an toàn là những lý do thuyết phục nhiều người bỏ vốn vào căn hộ thứ hai, thứ ba của mình. Rõ ràng vốn cho chứng khoán đang bị cạnh tranh.

Trở lại với sự hứng khởi ngắn ngủi của phiên giao dịch ngày 20/5, kịch bản VN-Index tăng điểm, chứng khoán tăng giá 2 – 3 phiên, sau đó dòng tiền không đủ lớn và đủ mạnh khiến thị trường giảm điểm trở lại, vẫn tiếp diễn. Ngay đầu phiên ngày 21/5, sắc đỏ đã bao trùm, chỉ số giảm điểm nhẹ. Đà tăng chỉ được củng cố vào những phút cuối phiên với mức tăng 0,45% đối với VN-Index và 0,47% đối với HNX-Index; thanh khoản không có nhiều cải thiện so với ngày hôm trước.

Tiền đầu tư

Sự giảm điểm của TTCK Việt Nam có đi ngược với thế giới? Nếu nhìn theo cả một chu kỳ dài, từ thời điểm kinh tế thế giới khủng hoảng năm 2008 đến nay, các thị trường nước ngoài vốn được coi như hàn thử biểu của thị trường vốn thế giới, đã có sự tăng trưởng trở lại ngoạn mục.

Chỉ số Down Jones đã tăng 300% từ 6.000 điểm lên trên 18.000 điểm; chỉ số Nikkei của Nhật cũng tăng từ 8.000 điểm lên trên 19.000 điểm…

Tại Trung Quốc, hàng loạt động thái nhằm kích thích sự tăng trưởng của TTCK, góp phần tăng cầu đầu tư tư nhân cũng đã được thực thi, đơn cử như cơ chế cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận TTCK Trung Quốc một cách dễ dàng hơn…

Trở lại với những diễn biến trên TTCK Việt Nam, nhiều CTCK vào đầu năm dự báo rằng, giá trị giao dịch bình quân của thị trường trong năm 2015 đạt khoảng 2.500 tỷ đồng/phiên, VN-Index vào cuối năm đạt 600 +/- 10 điểm. Gần nửa quãng đường đã trôi qua, song đây vẫn chỉ là kịch bản lạc quan chứ chưa thành hiện thực.

Trong quý II này, những thông tin tích cực xuất hiện tại mùa đại hội cổ đông như chia cổ tức, kế hoạch kinh doanh hấp dẫn, kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ…, hay những tin tức vĩ mô liên quan đến việc ký kết các hiệp định FTAs… vẫn khó có thể tạo ra sự cộng hưởng lớn cho thị trường. Lý do có thể rất đơn giản, đó chính là sự thiếu vắng các dòng tiền lớn, có kế hoạch gắn bó dài hạn với thị trường.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *