Chưa phải lúc vay quỹ ngoại hối

“Chúng ta chưa nên quá lạc quan về quỹ dự trữ ngoại hối và không nên bàn việc nghiên cứu để vay quỹ dự trữ ngoại hối cho đầu tư vào lúc này”, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch trao đổi sau phiên chất vấn Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 13/6.

Chưa phải lúc đặt ra vay quỹ ngoại hối

Chưa phải lúc đặt ra vay quỹ ngoại hối

Tại phiên chất vấn này, đại biểu Lịch đặt vấn đề: “Nghị quyết số 33 Chính phủ có đưa ra một vấn đề mà dư luận khá nhiều đó là nghiên cứu để vay quỹ dự trữ ngoại hối cho đầu tư. Không biết hiện nay có triển khai không và vấn đề này có tiếp tục nghiên cứu để làm không? Theo quan điểm của tôi, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay không nên làm việc này và không nên bàn, vì nó tác động không tốt đến thị trường tài chính. Quan điểm của Chính phủ và Phó thủ tướng như thế nào về vấn đề này”?

Câu trả lời của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Chính phủ mới đưa ra bộ khung chính sách, một định hướng nghiên cứu, chưa phải là chủ trương phải sử dụng quỹ ngoại hối.

Đã yên tâm hơn
Thưa ông, câu trả lời của Phó thủ tướng có khiến ông yên tâm hơn về việc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối không?

Phó thủ tướng nói rõ là Chính phủ mới nghiên cứu cách sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối, nhưng ý của tôi là nghiên cứu thì cứ nghiên cứu, nhưng đây là vấn đề không nên đặt ra lúc này vì đặt ra là tác động tâm lý thị trường.

Chúng ta chưa nên quá lạc quan về quỹ dự trữ ngoại hối khi mà đang ở tình trạng nhập siêu trở lại. Tôi thấy chưa bao giờ ngân hàng Trung ương lại có một cái tự tin là có dự trữ ngoại hối mà có thể kiểm soát được tỷ giá, thành ra nếu chưa gì đã bàn như vậy thì có lẽ dường như ta hơi chủ quan.

Nhưng Phó thủ tướng đã trả lời là giao cho nghiên cứu chứ không đặt vấn đề thực thi, đó là chuyện nội bộ của Chính phủ còn quan điểm của tôi thì nó hơi sâu hơn một chút là không nên bàn vào lúc này.

Ông lo ngại sự tác động vào tâm lý thị trường?
Đúng rồi, nếu đem ra bàn thì ít nhất là người ta nghi ngờ là sắp tới có sử dụng không, không bàn là đừng để người ta kỳ vọng. Đó là chưa kể hiện nay nợ công quá lớn rồi, vay trái phiếu cỡ đó rồi mà phần rất quan trọng để đảm bảo giá trị đồng tiền, ổn định vĩ mô  mà ta lại muốn đụng tới nữa thì điều đó sẽ tạo ra tâm lý không tốt tý nào, tôi nói về tâm lý thị trường thôi.

Nhưng với câu trả lời sáng nay của Phó thủ tướng thì ít ra là trước mắt chưa có sử dụng, nếu dừng như vậy thì thị trường yên tâm hơn là lúc là lúc Chính phủ đưa ra nghị quyết hồi cuối tháng 4, lúc đó dư luận bàn tán nhiều, doanh nghiệp cũng hỏi.

Chất vấn không nên theo giờ hành chính

Cổ phần hóa là vấn đề đang còn ý kiến nhiều chiều, tại phiên chất vấn ông cũng lo ngại là tới thời điểm này còn 289 doanh nghiệp Nhà nước toàn là “xương xẩu”, liệu có thể hoàn thành trong năm nay. Phó thủ tướng nói vấn đề này còn phụ thuộc vào thị trường, ông nghĩ sao?

Phó thủ tướng đã nói quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu cổ phần hóa nhưng cũng thấy rõ một điều là đặt mục tiêu như vậy song không cổ phần hóa bằng mọi giá và tôi chia sẻ quan điểm đó. Nhưng cái quan trọng nhất theo tôi cần làm rõ hơn cổ phần hóa là quá trình từ khi quyết định, đánh giá doanh nghiệp đến khi chọn đối tác chiến lược tới đưa ra thị tường là quá trình dài. 2015 này, 289 doanh nghiệp còn lại sắp đến giai đoạn quyết định, nôm na là không có lùi lại được còn lúc nào đưa ra thị trường thì còn tùy thuộc nhiều yếu tố.

Tôi cũng chất vấn việc sử dụng phần thoái vốn nhà nước như thế nào, Phó thủ tướng có nói dùng ba việc nhưng theo tôi cần phải rõ hơn là nhà nước phải dùng nguồn này cho việc đầu tư một số công trình phúc lợi chứ không nhất thiết đầu tư cho doanh nghiệp. Tôi rất muốn ưu tiên phần thoái vốn để làm một số bệnh viện quá tải.

Thưa ông, cũng như mọi kỳ họp, thời gian chất vấn Phó thủ tướng ít hơn nhiều thời gian dành cho các vị bộ trưởng, trong khi còn nhiều đại biểu muốn chất vấn?

Với Phó thủ tướng và đặc biệt là chất vấn Thủ tướng vào kỳ họp cuối năm thì theo tôi không nên giới hạn thời gian hành chính. Ví dụ bình thường Quốc hội làm việc đến 17h thì phiên đó kéo dài đến 19h cũng không sao cả, tôi nghĩ cử tri vẫn theo dõi và đại biểu Quốc hội cũng không ai đứng dậy, bởi vì  đó là cái lúc người dân cần nghe.

Cuối năm ngoái thời gian cho Thủ tướng quá ít trong khi đó cả cử tri và đại biểu đều “thòm thèm”. Tôi thấy việc xếp thời gian quá cứng nhắc, như hôm nay có thể bớt phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục để dành hẳn một buổi cho Phó thủ tướng hoặc kéo dài qua 11h30 một chút, thì cũng không đại biểu nào cảm thấy phiền hà. Nhưng Quốc hội dường như chưa có sự phá lệ, nghỉ sớm thì có, còn nghỉ muộn chưa có.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *