Chứng khoáng hastc xu thế dòng tiền

Các quan điểm về thị trường trong ngắn hạn mà các chuyên gia trả lời phỏng vấn của VnEconomy là gần tương tự nhau: Đều chờ đợi một đợt điều chỉnh sau những biến động tăng tốt trong tuần. Điểm khác nhau là kế hoạch hành động.
Phần lớn các chuyên gia đã giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống tại những phiên tăng bùng nổ trong tuần. Quan điểm thận trọng nhất đã bán sạch, đưa cổ phiếu về 0%, mức cao hơn hơn là 30%. Quan điểm lạc quan nhất vẫn giữ nguyên 80% cổ phiếu mặc dù vẫn nhìn nhận về khả năng điều chỉnh diễn ra ở các cổ phiếu.
Một điều tích cực chung là các giao dịch hạ tỷ trọng cổ phiếu xuống không đồng nghĩa với quan điểm bi quan về thị trường. Các chuyên gia đều chờ đợi một nhịp tích lũy và sẵn sàng quay lại khi các cơ hội mua xuất hiện.
Ngoài ra, việc đánh giá sức mạnh dòng tiền cũng nhận được những nhận xét tích cực. Mặc dù thanh khoản khá cao trong ngày 28/5 được nối tiếp bằng một ngày điều chỉnh cuối tuần rồi, nhưng các chuyên gia đều cho rằng dòng tiền vẫn có thể mạnh mẽ hơn nữa, dư địa sử dụng đòn bẩy vẫn còn lớn.
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Tôi thấy dòng tiền đang tham gia mạnh mẽ vào thị trường với giá trị giao dịch ngày càng tăng. Phiên điều chỉnh cuối tuần chỉ là liều thuốc thử “test” lực bắt điều chỉnh vào thị trường thế nào chứ đợt tăng ngắn hạn này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. VN-Index có thể tăng mạnh lên các mốc cao hơn cụ thể là mốc 585 và rồi 600 điểm.
Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS
Phiên giảm điểm thứ 6 vừa rồi diễn ra ở mức độ vừa phải, cho thấy lực cầu hấp thụ cung tương đối tốt.
Tuy chưa thực sự tin tưởng xu thế tăng dài hơi hơn, tôi vẫn tương đối lạc quan về trạng thái hiện tại. Tuần tới sẽ là một tuần “lửa thử vàng” cho thị trường.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Thanh khoản tuần này thực sự ấn tượng với tổng giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trên 2.500 tỷ đồng, theo ghi nhận là mức trung bình lớn nhất 11 tuần. Anh chị có thể hé lộ trạng thái margin hiện tại? Liệu mức giao dịch đó đã đạt sức căng tối đa của dòng tiền trong ngắn hạn hay chưa?
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Tuần trước anh chị đã tham gia mua cổ phiếu nhưng vẫn chưa cho rằng một xu thế tăng thực sự diễn ra. Phiên điều chỉnh cuối tuần liệu có phải là dấu hiệu kết thúc của đợt tăng ngắn hạn này?

Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Chúng tôi quan ngại nhịp điều chỉnh này có thể kéo dài 2-3 phiên giao dịch và chúng tôi tư vấn khách hàng chỉ gia tăng lượng cổ phiếu ở vùng giá thấp trong phiên.
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research – Chứng khoán MBS
Đúng như vậy! Khối lượng giao dịch tăng cao đột biến (ngày 28/5) và sự quay đầu giảm điểm của một số cổ phiếu dẫn dắt là những dấu hiệu quan trọng của quá trình tạo vùng đỉnh của một đợt tăng ngắn hạn của thị trường.
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi không cho rằng phiên điều chỉnh cuối tuần là dấu hiệu kết thúc của đợt tăng lần này.
Thị trường sau một nhịp hồi phục kéo dài và phải hấp thụ một lượng cung lớn tại các vùng kháng cự mạnh nhiều khả năng sẽ cần một nhịp điều chỉnh tích lũy quanh vùng 565-569 điểm để cân bằng lại áp lực cung cầu trong những phiên đầu tuần tới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khối ngoại nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì đà mua ròng trong thời gian tới, thì tôi kỳ vọng chỉ số sẽ sớm quay lại đà tăng điểm và tiến đến tiếp cận vùng kháng cự mạnh 580-585 điểm trong ngắn hạn.
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Nhà đầu tư đã đẩy mạnh việc mua vào cổ phiếu nhưng tỷ lệ dùng đòn bẩy vẫn chưa nhiều. Tôi đánh giá toàn thị trường mới chỉ sử dụng tầm 1/3 mức cho vay margin tối đa và nhiều nhà đầu tư vẫn còn đứng ngoài thị trường đợi các phiên điều chỉnh để mua vào. Cầu tham gia vào thị trường sẽ còn phải gia tăng trong vài phiên tới. Dòng tiền lớn mới tham gia vào thị trường cũng sẽ chưa thể rút ra ngay.
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS
Với sự tăng điểm phân hóa trong nhịp vừa rồi, nhất là lại diễn ra ngay sau một cú giảm mạnh, trạng thái phòng thủ nắm giữ tiền mặt vẫn chiếm ưu thế. Vì vậy có thể tin rằng sức mua của thị trường vẫn còn, ngay cả trong ngắn hạn.
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research – Chứng khoán MBS
Margin chung đã tăng khoảng hơn 10% so với mức đáy thống kê trong tháng 5. Như vậy xét trên góc độ margin, đó chưa phải là mức cao để có thể gọi là đạt sức căng tối đa của dòng tiền trong ngắn hạn.
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi không nắm cụ thể về trạng thái margin hiện tại, tuy nhiên theo quan sát diễn biến dòng tiền ra vào thị trường tôi cho rằng mức giao dịch hiện tại vẫn chưa đạt sức căng tối đa của dòng tiền trong ngắn hạn.
Theo tôi, khối lượng giao dịch trung bình phiên của VN-Index hoàn toàn có thể tiến tới con số 120-150 triệu cổ phiếu/ngày trong thời gian tới.
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Mức margin hiện tại chưa thật sự cao ở các cty chứng khoán. Xu hướng chung của các nhà đầu tư, thường sau đợt sụt giảm mạnh của thị trường sẽ bán bớt margin trong các phiên tăng tiếp theo do đó margin hiện nay ở các công ty chứng khoán là hoàn toàn không cao.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
VN-Index trong ngày cuối tuần đã đóng cửa xuống dưới ngưỡng 570-574 điểm. Nếu một nhịp điều chỉnh xảy ra trong tuần tới, theo anh chị mức điều chỉnh có lớn hay không? Điều gì khiến anh chị kỳ vọng vào mức điều chỉnh đó?
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS
Mức điều chỉnh lớn hay nhỏ trên index thực ra rất khó dự đoán, vì chỉ cần một vài cổ phiếu vốn hóa lớn biến động mạnh là có thể xảy ra rồi. Theo tôi, chúng ta nên quan sát độ rộng thị trường.
Tôi kỳ vọng trong tuần tới, có thể một số cổ phiếu điều chỉnh mạnh, nhưng vẫn có mã tăng điểm và nhiều mã gần như đi ngang trong biên độ hẹp. Nếu thanh khoản duy trì ở mức 2.000 tỷ mỗi phiên, có thể kỳ vọng vào một kịch bản tích cực dài hơi hơn.
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Chúng tôi đánh giá có lượng tiền mới đổ vào thị trường thanh khoản thị trường tăng lên là điều rất tích cực và thị trường sẽ điều chỉnh trong khoảng 550-560 điểm.
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research – Chứng khoán MBS
Thông thường sau khi kết thúc một sóng tăng, thị trường sẽ đi vào trạng thái giằng co, biến động trong sideway, trước khi hình thành rõ ràng xu hướng mới. Do vậy, trong ngắn hạn, nếu một nhịp điều chỉnh xảy ra trong tuần tới, theo tôi mức điều chỉnh sẽ không lớn.
Về cơ bản nhìn xa hơn, trong bối cảnh chung dòng tiền nội yếu, cộng với rủi ro chứng khoán toàn cầu có thể sẽ chuyển sang một chu kỳ giảm điểm kéo dài vẫn ở phía trước (cùng với quá trình lãi suất tăng dần trên toàn cầu), ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam, một nhịp giảm điểm kéo dài với mức giảm điểm lớn của thị trường Việt Nam là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi cho rằng, nếu VN-Index xuất hiện nhịp điều chỉnh trong tuần tới thì mức điều chỉnh sẽ không lớn và nhiều khả năng chỉ số sẽ diễn biến theo hướng điều chỉnh tích lũy trong vùng hỗ trợ 565-569 điểm như đã đề cập ở trên.
Việc dòng tiền cải thiện là tín hiệu tích cực tuy nhiên tâm lý hưng phấn thái quá của nhà đầu tư khiến cho rủi ro điều chỉnh đối với hai chỉ số ngày càng gia tăng. Khả năng thị trường điều chỉnh bất cứ lúc nào có thể sẽ khiến cho nhà đầu tư ở vào vị thế khá rủi ro khi không cân bằng được tỷ trọng về mức hợp lý.
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Các phiên đầu tuần tới khả năng cao sẽ tiếp tục là các phiên điều chỉnh và mức giám sâu nhất có thể về quanh mốc hỗ trợ 560 điểm hoặc thậm chí giảm quá đà trong 1 phiên về mốc 555 điểm nhưng các phiên điều chỉnh này là cần thiết để thị trường có thể thu hút thêm lực cầu tiềm năng tăng vượt mốc kháng cự quan trọng 585 điểm.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Nếu mua vào trong tuần trước, cổ phiếu của anh chị hẳn đã về tài khoản. Anh chị có chốt lời trong tuần này? Mức phân bổ vốn là bao nhiêu?
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tuần qua, tôi tiếp tục thực hiện nâng tỷ trọng phần danh mục ngắn hạn lên mức 40% trong những phiên đầu tuần, tuy nhiên khi VN-Index tiến đến vùng kháng cự 575-580 điểm trong những phiên cuối tuần, tôi đã bán giảm tỷ trọng phần danh mục ngắn hạn đang nắm giữ để đưa tỷ trọng danh mục tổng về lại mức cân bằng 50% (trong đó, tỷ trọng phần danh mục trung hạn vẫn là 30% cổ phiếu).
Tuần tới, tôi dự định sẽ lại nâng tỷ trọng phần danh mục ngắn hạn lên mức 60-70% nếu thị trường xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong những phiên đầu tuần.
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research – Chứng khoán MBS
Tôi đã thực hiện chốt lời phần cổ phiếu có trong tài khoản và tạm thời không còn cổ phiếu nào nữa.
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Do việc dự báo thị trường sẽ gặp ngưỡng cản mạnh 580 điểm ở tuần qua, tôi cũng đã thực hiện việc giảm tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt về tỷ lệ 30%/70% và sẽ cân nhắc mua vào thêm ở giữa tuần tới khi các phiên điều chỉnh kết thúc.
Việc trading vẫn tiến hành chỉ ở những cổ phiếu cơ bản tốt và cổ phiếu đầu cơ nóng nhất thị trường hiện nay.
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS
Với mức 80% cổ phiếu phân bổ trước đó,  tôi đã có cả lợi thế T+ và lợi thế giá. Tôi tiếp tục giữ trạng thái này để quan sát thị trường trong tuần tới.
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Chúng tôi chờ đợi những phiên điều chỉnh giảm của thị trường để gia tăng trạng thái mua vào danh mục được phân bổ 70% cổ phiếu 30% tiền mặt.
VnEconomy: Theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc cũng như để tạo kênh phản hồi đa chiều khách quan, VnEconomy xin chia sẻ địa chỉ email của các chuyên gia. Các chuyên gia của chuyên mục Xu thế dòng tiền sẵn sàng trao đổi, làm rõ thêm các quan điểm và phản hồi phản biện của bạn đọc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *