Chương Đặng và những ý tưởng kinh doanh “không giống ai” ông HOÀNG TƯỜNG

Chương Đặng và những ý tưởng kinh doanh "không giống ai"

Trong lĩnh vực thiết kế thời trang, anh cho ra đời những chiếc áo dài rộng rãi tiện dụng bằng chất liệu cotton, linen, thậm chí bằng thun. Trong kinh doanh, quán cà phê của anh không cố chen ra mặt phố mà nằm khuất trong một con hẻm yên tĩnh.

Giá ly cà phê không rẻ chút nào trong khi quán không có người phục vụ lẫn người giữ xe, chỗ ngồi không nhiều, khách đến tự pha cho mình ly cà phê rồi ghé ngồi chung ghế với những người khác. Vậy mà nhiều người vẫn chọn mặc áo dài, uống cà phê của Chương Đặng.

Showroom thời trang Kujean của Chương Đặng nằm trong con hẻm nhỏ yên tĩnh trên đường Phạm Ngọc Thạch (Q.1, TP. Hồ Chí Minh), từ khi khai trương đến nay vẫn tách ra khỏi sự náo nhiệt ồn ào của một thành phố lớn. Khách đến đây có thể không mua chiếc áo nào mà chỉ ngồi tán gẫu với chủ nhân dễ mến bên ly trà thơm.

Tôi sinh ra cùng sự lạc quan và không có niềm tin tuyệt đối vào y khoa. Anh tin niềm yêu đời, lạc quan sẽ giúp con người sống khỏe mạnh. Bệnh nan y chỉ có thể lấy đi mạng sống khi con người không còn niềm tin và ý chí muốn sống.

Khuyết tật ở chân dường như không thể ngăn Chương Đặng trên con đường hiện thực hóa những giấc mơ lãng mạn và cả sự lạc quan như muốn lây sang cả người đối diện. Anh nói:

Có lẽ nhờ vậy mà anh đã vượt qua rất nhiều căn bệnh “thập tử nhất sinh” khi còn nhỏ. Ngay cả cơn sốt bại liệt lấy đi đôi chân của tôi từ năm bốn tuổi cũng không làm tôi bi quan mà ngược lại, còn làm tăng tính độc lập sẵn có.

Trong gia đình, ba mẹ, anh chị của tôi đều tập trung chăm lo cho tôi, nhất là mẹ tôi, bà lúc nào cũng sợ tôi yếu đuối và cô độc. Tôi được chăm sóc và chiều chuộng nhiều đến mức tôi không muốn được trợ giúp.

Một cách tự nhiên, tôi ngày càng độc lập, mạnh mẽ và chứng minh mình có thể làm tất cả mọi điều mà những người lành lặn khác làm được. Nhưng cũng vì quá độc lập, tôi ở thời điểm đó còn không chấp nhận những giới hạn của bản thân.

Mãi đến khi trưởng thành, nhờ làm việc, được tiếp xúc với nhiều người, tôi mới chấp nhận việc không ai có thể tự mình làm hết mọi việc mà không cần sự giúp đỡ. Ngay cả những người có quyền lực, giàu có, ở những địa vị cao nhất trong xã hội cũng có lúc gặp khó khăn và thật may mắn, tôi đã có dịp cùng họ vượt qua.

* Anh độc lập đến nỗi tự kiếm tiền để bước chân ra khỏi ngôi làng nhỏ, thực hiện hành trình viễn du trên đất Pháp để hiện thực hóa niềm đam mê của mình?

– Thực tế thì tôi đã cố gắng kiếm tiền cho hành trình xa nhà đầu tiên ấy nhưng tôi vẫn phải nhờ sự giúp đỡ về tài chính từ gia đình và bạn bè. Trước đó, tôi cũng biết tự kiếm tiền từ rất sớm.

Phi vụ làm ăn đầu tiên của tôi là từ năm tôi học cấp 1, thời điểm đó chưa có nhiều tiệm bách hóa như bây giờ. Tôi dùng số tiền dành dụm được, cùng em gái mình mua một gói kẹo lớn ở hợp tác xã rồi bán lại cho trẻ con trong xóm. Dù phi vụ này bị cấm ngay sau đó, nhưng cảm giác lâng lâng khó tả vẫn còn đọng lại về sau.

Có lẽ cảm giác được là người phân phối cho người khác (giống như các đại gia bán lẻ) khiến tôi thích thú, chứ lúc đó tôi không cần nhiều tiền. Gia đình tôi không giàu có nhưng anh chị em chúng tôi luôn có cuộc sống đầy đủ, sung túc.

Thật lạ là từ nhỏ, tôi đã nghĩ về kinh doanh với cái nhìn lãng mạn. Tôi thường gói những chiếc kẹo bé xíu một cách cẩn thận trong mảnh giấy xinh xắn trước khi bán lại cho mấy đứa trẻ như một dịch vụ cộng thêm. Cho đến bây giờ, việc kinh doanh của tôi đều lãng mạn và giàu tính thẩm mỹ, từ thời trang, đến cà phê, phở… để mọi người tận hưởng cuộc sống tốt hơn.

* Anh từng nói không thích cuốn sách “Dạy con làm giàu”. Lẽ nào dạy con trở thành người giàu có lại không tốt?

– Chính xác là tôi phản đối cái tựa sách. Còn nội dung tôi nghe nói là thú vị, nhưng tôi không chắc. Theo tôi thì học làm giàu là học những kỹ năng… chán òm. Tôi nghĩ cha mẹ nên quan tâm những kỹ năng quan trọng khác như dạy con nấu ăn, dạy con tập thể dục, dạy con sống một ngày trọn vẹn.

Điều quan trọng là cha mẹ nên dạy con cách vượt qua thất bại, vượt lên sợ hãi để luôn thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Đứa trẻ sẽ tự học cách kiếm tiền theo cách hay ho chúng tự nghĩ ra hoặc lựa chọn không làm giàu mà vẫn sống hạnh phúc. Tôi có lãng mạn quá chăng?

* Người Việt Nam vốn đã quen mắt với những tà áo dài lụa thướt tha, thiết kế bó sát cơ thể để tôn dáng vẻ của người phụ nữ. Chiếc áo dài của anh được may rộng rãi, lại bằng vải cotton, thun tiện dụng. Anh không sợ làm phật lòng những quan niệm truyền thống?

– Tôi rất thích lụa. Bảo Lộc quê tôi là vùng đất trồng dâu nuôi tằm, sản xuất tơ lụa có tiếng trong khu vực nhưng tôi không chọn lụa để may áo dài.

Chiếc áo dài lụa bó sát khiến cho người mặc luôn phải gồng mình để giữ dáng áo, cố để tà áo không bị nhăn… Lụa mềm mại, dịu dàng với làn da nên tôi có ý định sẽ sử dụng để may quần áo… ngủ, cảm giác như một sự nâng niu cơ thể.

Áo dài bằng vải cotton thường mát, nhẹ, ít nhăn, khi mặc sẽ tạo những nếp gấp rất gợi cảm, nhìn rất duyên. Còn linen là một chất liệu phù hợp với tính cách phóng khoáng, an nhiên và một chút ngang tàng.

Nét quyến rũ của người phụ nữ đôi khi được thể hiện qua những kinh nghiệm nhỏ, tích lũy trong hành trình cuộc đời chứ không phải bởi nét lả lướt phù phiếm. Vì vậy, khách hàng chọn áo dài Kujean thường là những cô gái cá tính hay những phụ nữ từng trải và mạnh mẽ.

Có một số người cảm thấy “khó chịu” khi tôi may áo dài bằng vải thun co giãn. Nhưng tôi biết có những phụ nữ có nhu cầu muốn mặc áo dài một cách thoải mái, họ có thể vui vẻ chọn chiếc áo dài bằng thun.

Những chất liệu ấy dùng cho hầu hết mọi sản phẩm thời trang, lẽ nào không thể may áo dài? Nếu muốn tà áo dài được sử dụng trong đời sống ngày nay một cách tự tin mà vẫn còn sự yêu thương, tôn trọng giá trị lịch sử thì hãy để áo dài sống thật sự trong hành trình của nó trong thì hiện đại.

Không có mối liên hệ nào giữa áo dài cách tân với phản cảm cả. Với những toan tính khác của người mặc thì cho dù có là một bộ trang phục truyền thống nhất vẫn có thể trở nên phản cảm. Nhưng đó là trách nhiệm cá nhân của họ.

Phụ nữ ngày nay năng động hơn xưa rất nhiều. Họ sử dụng các phương tiện giao thông nhiều hơn, đi lại và giao tiếp nhiều hơn. Vì vậy, một chiếc áo dài quá “khắt khe” với cơ thể theo tôi là không phù hợp.

Xu thế chung của thế giới là sự thân thiện của thiết kế với cơ thể, cả trong kiểu dáng lẫn chất liệu. Vì vậy, vải cotton, linen được sử dụng ngày càng nhiều. Việt Nam chúng ta cũng phải theo xu thế chung của thế giới, không sớm thì muộn.

* Không chỉ thiết kế ra những chiếc áo dài độc đáo, anh còn kinh doanh phở, cà phê mà ý tưởng cũng độc đáo không kém…

– Tôi không chỉ bán phở, cà phê, mà còn bán sự yên tĩnh, trong lành. Khách đến quán cà phê của tôi được uống cà phê ngon, trà thơm, chocolate ngọt ngào trong một tâm thế bình thản, hạnh phúc.

Phở của tôi mang một hương vị xưa cũ trong một cách thiết kế mới, trân trọng món phở và người ăn. Tôi muốn tạo một phong cách sống nhẹ nhàng mới mẻ trong một guồng quay quá nhanh và ồn ào của xã hội hiện đại.

* Người ta thường lao vào kinh doanh với mục đích làm giàu, còn anh thì hình như không phải như vậy…

– Mục đích cuối cùng của việc kinh doanh vẫn là nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Tôi cũng không ngoại lệ, chỉ có điều tôi không kiếm tìm lợi nhuận nhanh chóng. Nhiều người muốn phải có lợi nhuận trong vòng vài tháng hoặc một năm, tôi thì đặt mục tiêu lợi nhuận sau một thời gian dài hơn.

Vốn là người lãng mạn, nên việc kinh doanh là cách để tôi hiện thực hóa những ý tưởng lãng mạn và duy trì ý tưởng đó. Thực tế, những ý tưởng lãng mạn khi áp dụng vào thực tế có tỷ lệ thành công rất thấp và khó tồn tại lâu dài. Kinh doanh để có lợi nhuận là cách để cho các ý tưởng được hiện thực hóa và phát triển qua thời gian.

Quán cà phê tự phục vụ là một ý tưởng lãng mạn. Nhiều người từng nghi ngờ việc hiện thực hóa ý tưởng này sẽ khiến quán phải đóng cửa chỉ sau một vài tháng nhưng đến thời điểm này, sau hơn một năm, quán vẫn đang hoạt động tốt.

Việc kinh doanh của tôi bắt đầu từ những giấc mơ lãng mạn nhưng lại được điều hành bằng một cái đầu lạnh. Từ ý tưởng đến kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, chăm sóc khách hàng đều phải thực tế và hiệu quả.

Điều này hoàn toàn khác với việc lãng mạn hóa chuyện kinh doanh mà nhiều bạn trẻ hay nhầm lẫn. Rất nhiều người trẻ ở thành phố này muốn mở quán cà phê, nhưng lại thực hiện một cách vội vàng, không chuẩn bị kỹ càng nên sớm thất bại. Kinh doanh không phải trò chơi, người khởi nghiệp cần phải đầu tư kỹ càng vì nó nuôi dưỡng giấc mơ của mình.

* Trong các bài viết của mình, anh hay nói đến việc tận hưởng cuộc sống, nhưng điều này không dễ khi cuộc sống của nhiều người còn nhiều khó khăn?

– Không cần giàu mới sang, không cần nhiều tiền mới hạnh phúc. Đây không chỉ là lý thuyết suông đâu.

Chúng ta thường nghĩ đến những niềm hạnh phúc xa vời, chẳng hạn phải tìm được một người đủ tiêu chuẩn như mong muốn hay khi được thăng tiến lên vị trí nào đó thì chúng ta mới cảm thấy hạnh phúc. Vì thế mà rất nhiều người thất vọng khi không đạt được điều mình muốn rồi đồng thời bỏ phí luôn khả năng tự hạnh phúc một mình.

Nếu chúng ta đang ngồi với nhau trong một buổi sáng nắng đẹp, tận hưởng một ly cà phê và trò chuyện say mê hơn thì hạnh phúc hơn nhiều cứ ngồi ao ước trưa nay, tối nay mình làm gì, với ai.

Còn sang trọng là khi chúng ta sử dụng tiền bạc, tài sản vật chất của mình một cách phù hợp. Tôi thấy thói quen kém sang mà nhiều người mắc phải là lãng phí thức ăn. Họ thường nghĩ tiệc tùng thức ăn thừa mứa mới sang nhưng ngược lại, điều đó lại cho thấy cảm giác không ngon miệng.

Thức ăn đáng được trân trọng và yêu mến. Thói quen cố ăn vì lịch sự càng hành cái bao tử chứ không khiến người khác vui lòng. Tôi cật lực phản đối những vụ cá cược ăn nhiều, dù chỉ là chương trình giải trí nhưng tôi cho là cuộc thi “thiếu suy nghĩ” và không nên cho trẻ em xem.

Tôi làm đẹp cuộc sống bằng thời trang, ẩm thực, văn chương… không phải để dạy đời mà chỉ muốn nhắc nhở một số quy tắc về sống hạnh phúc mà đôi khi chúng ta đã vô tình đánh rơi đâu đó.

Cả những buổi ngoại khóa tổ chức hoàn toàn miễn phí cho trẻ em cũng vậy. Tôi muốn các em hiểu rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, sống cuộc đời của chúng.

Một buổi ngoại khóa giúp các em được tự làm những món ăn sáng đơn giản với sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy cô giáo, đã giúp các em trở nên nhanh nhạy hơn, ý thức được việc tự chăm sóc mình và không còn thói quen chê đồ ăn sáng mẹ làm nữa. Những trò chơi kỹ năng sẽ khuyến khích đứa trẻ chủ động lựa chọn cuộc sống hạnh phúc và thành công chứ không phải phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ chúng.

* Dạy học hình như là một trong những sở trường của anh, trông anh dạy trẻ con rất hiệu quả và luôn được học trò yêu mến?

– Tôi có năng khiếu sư phạm, tôi hay dạy học những lúc khó khăn để kiếm sống, cả lúc còn ở quê nhà lẫn khi sang Pháp du học. Hiện tại do còn quá nhiều việc nên tôi chỉ có thể tổ chức những buổi ngoại khóa nhỏ để mài giũa khả năng sư phạm, cũng là một cách hỗ trợ cho cộng đồng trong khả năng của mình.

Mỗi lớp học của mình phải thật sự thú vị và nhận được tương tác của học trò, học viên ở mức tối đa. Nghề dạy học luôn là việc cùng học sinh khám phá tri thức, cùng nhau thì phải vui và thật lòng mới được.

Tôi cũng thường ra Hội An giúp cho lớp huấn luyện người khuyết tật về cách pha trà và cà phê. Tôi muốn mang đến cho các bạn sự hiểu biết, để có thể vượt lên mọi mặc cảm, tự chủ với công việc, tự sống bằng thế mạnh của chính mình.

* Và anh là người hạnh phúc?

– Tôi đang là người hạnh phúc. Tôi được ngắm khung cảnh đẹp của Kujean mỗi ngày, thưởng thức cà phê thơm dịu và “nghe” bình minh xuất hiện.

Tôi được gặp những người bạn trẻ trung, nghe họ nói, thấy họ cười, một vài người dành thời gian kể cho nghe những câu chuyện thú vị. Tôi sống trong một căn nhà đẹp, hàng xóm dễ thương và được nhiều người quý mến. Điều tuyệt vời hơn là tôi biết cha mẹ, anh chị em tôi và hầu hết mọi người đều có thể hạnh phúc, nếu họ muốn thế.

* Anh phát triển sự nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, sao lại mở trường tiếng Anh ở tận Bảo Lộc?

– Vì đó là quê hương tôi. Tôi từng trực tiếp đứng lớp trong những ngày đầu trường mới mở, để mang đến một cách học mới cho các em.

Ở đó, các em được học theo một chương trình mở, không phải là một giáo trình có sẵn. Tôi biết cách dạy học của tôi đạt được hiệu quả, khi có phụ huynh than phiền: “Trời mưa to quá, tôi muốn cho con nghỉở nhà mà con tôi cứ đòi đi học”.

Tôi còn đưa cách dạy học của mình đến với những giáo viên dạy trường công, hy vọng họ sẽ đưa giáo trình mới vào nhà trường, khiến học sinh thích học ngoại ngữ hơn.

Tôi không chỉ muốn dạy cho trẻ em tiếng Anh, phương tiện để chúng giao tiếp với thế giới mà tôi còn muốn truyền cho các em cách sống hạnh phúc, điều mà tôi học được trong khoảng thời gian ngắn sống ở Pháp.

Sống hạnh phúc nghĩa là biết tận hưởng những giá trị mình đang có, nói theo kiểu của người Pháp là nếu trong nhà tôi đang có một cành hoa hồng tuyệt đẹp ngát hương thì tôi sẽ tận hưởng nó trước khi đi sang những ngôi nhà khác.

Sống hạnh phúc nghĩa là có thể tách mình hoàn toàn ra khỏi công việc và không để công việc làm cho mình bị stress. Tôi có quen một người bạn Pháp khá đẹp, chị là người bán hàng chính trong tiệm chocolate của gia đình.

Hằng ngày, tôi luôn thấy chị tất bật với cửa hàng nhưng ngày chị hứa cùng tôi đi chơi, tôi hầu như không thấy chị mảy may lo nghĩ về công việc. Tôi còn nhớ, chúng tôi đã ngồi trò chuyện rất lâu trong công viên, chị hút thuốc rất sảng khoái, còn tôi ngồi… nhìn vì không biết hút.

Sau đó, chúng tôi lê la cà phê, ăn trưa vô cùng thoải mái… Sống hạnh phúc là làm việc mình thích không cần câu nệ địa vị, sang giàu.

Tôi từng chứng kiến các thành viên của một gia đình giàu có cùng bán hoa trên phố. Mọi người đều biết họ sống trong một ngôi nhà sang trọng, đi xe hơi đắt tiền nhưng họ luôn niềm nở với tất cả khách hàng ghé lại hàng hoa.

Tôi luôn nhớ về mẹ tôi, một mẫu phụ nữ truyền thống. Bà luôn hết lòng vì chồng con và hầu như không biết tận hưởng cuộc sống. Bà chăm sóc hết người này đến người khác nhưng lại không nghĩ đến việc nâng niu, chăm sóc bản thân mình.

Sự khác biệt trong tư tưởng giữa tôi và mẹ tôi đã có từ rất lâu, nhưng tôi vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi mẹ tôi thông qua tình yêu thương và sự chăm sóc mà bà dành cho những người xung quanh.

Chúng ta đâu trở thành người có quyền lực khi không thể nâng đỡ những người yếu đuối vô danh. Nhưng chúng ta không thể chăm sóc ai trọn vẹn khi không biết tự chăm sóc mình. Chúng ta cũng không thể bình yên và hạnh phúc khi luôn chờ đợi một ngày mới hay một người bạn đồng hành khác…

 

* Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *