Công bố tài chính doanh nghiệp quý 2 có nhiều bất cập

Hiện toàn sàn đã có khoảng 380 doanh nghiệp niêm yết công bố BCTC quý 2/2015, tuy nhiên mới chỉ có 39 doanh nghiệp báo lỗ chiếm tỷ lệ 10,2%.

Lỗ bất ngờ

Đầu tiên phải nói đến khoản lỗ tạm giữ vị trí “quán quân” trong quý của SMC, Công ty này công bố mức lỗ ròng quý 2/2015, lên đến 140,6 tỷ đồng, con số này cách quá xa so với ước lỗ 70 tỷ đồng ban lãnh đạo SMC dự đoán tại ĐHĐCĐ thường niên giữa tháng 4. Công ty cho biết mặc dù sản lượng thép bán ra trong quý 2/2015 tăng 15% so với quý 2/2015, tuy nhiên do giá cả thị trường sụt giảm liên tục so với giá công ty nhập khẩu từ quý 4/2015 và đầu năm 2015, liên quan đến hàng hóa thép dẹt cán nóng, làm lợi nhuận biên thấp nên không bù được chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chi phí tài chính cho lãi vay cũng tăng cao gấp đôi so với cùng kỳ, ở mức 35 tỷ đồng, do SMC vay ngân hàng để nhập khẩu hàng hóa với số lượng lớn hiện vẫn đang tồn kho. Chi phí quản lý tăng 183% do SMC phải trích bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 40 tỷ đồng, tăng rất nhiều so với mức trích 2,2 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2014.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, SMC lỗ ròng 181 tỷ đồng tương đương EPS âm 6.148 đồng. Với kết quả kém khả quan trong nửa đầu năm 2015, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu kế hoạch lãi 50 tỷ đồng của công ty liệu có khả thi.

Tiếp theo phải kể đến trường hợp của CTCP Thuận Thảo (GTT), do phải “ôm” thêm khoản khoản lợi thế thương mại và chi phí tài chính lẽ ra phải hạch toán vào quý 1/2015 nhưng chưa được công ty hạch toán nên tổng chi phí trong quý 2/2015 tăng vọt chính là nguyên nhân khiến GTT chịu lỗ ròng 57,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ LNST đạt 1,12 tỷ đồng.

Đáng chú ý hoạt động khác nhiều quý liền là “cứu tính” cho hoạt động kinh doanh của công ty đã lần đầu tiên báo lỗ gần 6 tỷ đồng do công ty hạch toán bổ sung khoản tiền lãi phải nộp do chậm nộp thuế của quý 1/2015 và quý 2/2015 theo đúng quy định. Trước đó GTT cũng đã gây chú ý khi công bố kết quả kinh doanh 2014 với mức thua lỗ sau kiểm toán lên tới -186,63 tỷ đồng trong khi năm 2013 vẫn có lãi trên 700 triệu đồng.

Một doanh nghiệp khác cũng gây bất ngờ khi báo lỗ là Sông Đà Cao Cường (SCL), doanh nghiệp này đã luôn kinh doanh có lãi trong suốt 9 quý vừa qua. SCL lỗ ròng hơn 12 tỷ đồng trong quý 2, trong khi cùng kỳ năm trước SCL ghi nhận lợi nhuận 6,35 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận sụt giảm đáng kể và chỉ còn 0,4 tỷ đồng, giảm tới 96%.

Theo giải trình của công ty, kết quả kinh doanh quý 2 của công ty sụt giảm mạnh bởi một số công trình thủy điện đang tiêu thụ mặt hàng Tro bay của công ty đã và đang đi vào giai đoạn hoàn thiện cuối công trình. Bên cạnh đó, công ty bị thiệt hại về giá trị vật tư, thành phẩm, tài sản cố định, công cụ, dụng cụ do vụ sạt lở ngày 30/4/2015 tại hồ xỉ Bắc Bình Giang thuộc nhà máy sản xuất tro bay của công ty. Tổng giá trị thiệt hại là hơn 13 tỷ đồng.

Kinh doanh dưới giá vốn khiến Cấp nước Chợ Lớn (CLW) lỗ ròng 10,8 tỷ đồng trong khi quý 2/2014 lãi 2,3 tỷ đồng – Đây cũng là quý đầu tiên kể từ khi niêm yết doanh nghiệp này báo lỗ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, CLW đạt gần 413 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6,5% so với cùng kỳ, LNST âm 5,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 7,76 tỷ đồng.

Lỗ kinh niên

Trong danh sách 35 doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ quý 2/2015, đáng chú ý có nhiều doanh nghiệp không chỉ đã lỗ trong 1, 2 quý mà là đã nhiều quý liên tiếp. Điều này không chỉ khiến nhà đầu tư e ngại về công tác quản lý điều hành doanh nghiệp thời gian qua mà còn làm dấy lên nghi ngại về những kế hoạch có lãi trong năm 2015 liệu có khả thi.

Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn (SQC) tiếp tục báo lỗ quý thứ 8 liên tiếp. Trong kỳ doanh nghiệp này không hề có doanh thu trong khi phải ghi nhận giá vốn hàng bán 16,6 tỷ đồng. Trừ thêm các chi phí tài chính và chi phí quản lý, SQC lỗ ròng 31,6 tỷ đồng trong quý 2. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt vỏn vẹn 800 triệu đồng doanh thu và lỗ 35,8 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2014, SQC đạt 26 tỷ doanh thu thuần và lỗ 34,6 tỷ. SQC đã báo lỗ 2 năm liên tiếp (2013, 2014), năm 2015 công ty lên kế hoạch có lãi 10,264 tỷ đồng.

Tương tự, quý 2/2015, Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR) không phát sinh doanh thu, chi phí nào từ hoạt động kinh doanh chính. PVR chỉ có duy nhất 122 triệu đồng doanh thu tài chính và 711 triệu đồng chi phí tài chính. Tuy nhiên do vẫn phát sinh chi phí để quản lý doanh nghiệp nên PVR đã lỗ gần 4 tỷ trong quý 2/2015. Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty này lỗ 5,2 tỷ. Như vậy, công ty đang lỗ lũy kế 25,4 tỷ đồng. Đáng chú ý là năm 2015, công ty vẫn đặt kế hoạch doanh thu 60 tỷ đồng trong đó, doanh thu bất động sản là 38 tỷ, doanh thu xây lắp là 20 tỷ, doanh thu tài chính và doanh thu khác là 2 tỷ.

SRB lỗ thêm quý 2/2015 nâng số quý kinh doanh thua lỗ của công ty này lên 6 quý, công ty đặt mục tiêu có lãi 100 triệu trong năm 2015 sau khi đã lỗ trong cả năm 2013 và 2014. Nếu có lãi SRB sẽ không bị hủy niêm yết bắt buộc, trước đó tại ĐHĐCĐ 2015 công ty đã muốn xin hủy niêm yết cổ phiếu SRB trên HNX nhưng đã không được cổ đông thông qua (tỷ lệ ủng hộ chỉ là 2,67%).

HDO đã có dấu hiệu giảm sút về lợi nhuận kể từ quý 3/2012, những quý sau đó HDO đều lãi rất thấp hoặc báo lỗ, HDO cũng đã chịu lỗ 2 năm liên tiếp (2013, 2014) và doanh nghiệp này đã lên kế hoạch “bám sàn” với kế hoạch có lãi 10 tỷ đồng trong năm 2015. Tuy nhiên trong quý 2/2015, mặc dù doanh thu gia tăng gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước nhưng các chi phí kinh doanh vẫn con ở mức cao đã khiến cho Hưng Đạo Container (HDO) lỗ gần 7 tỷ, đưa lỗ lũy kế đến cuối tháng 6/2015 lên 54 tỷ đồng. Vận tải Biển Vinaship (VNA) sau khi có lãi vào quý 4/2014 lại quay trở lại chuỗi quý kinh doanh khó khăn do thị trường tàu hàng khô thế giới vẫn trong xu thế suy giảm khiến VNA báo lỗ gần 20 tỷ đồng trong quý 2/2015. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, VNA lỗ 37,5 tỷ đồng. Năm 2015, VNA đặt kế hoạch lãi 2 tỷ (bao gồm cả lợi nhuận bán tàu).

Ngoài ra một số doanh nghiệp khác cũng đã triền miên báo lỗ: Đầu tư Phát triển – Xây dựng số 2 (DC2) cũng tiếp tục chịu lỗ quý 7 liên tiếp, doanh nghiệp này cũng đã công bố kế hoạch có lãi 4 tỷ đồng trong năm 2015 sau khi 2 năm trước đó 2013, 2014 đã báo lỗ. CTN, CVN cùng lỗ liên tiếp 9 quý, VNH, AMV chịu lỗ quý thứ 6 liên tiếp.

Lỗ trong kế hoạch

NTACO (ATA) đã có một quý kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của thị trường thế giới nên hoạt động xuất khẩu của công ty đang gặp khó khăn, doanh thu bán hàng trong quý 2/2015 chủ yếu từ bán hàng nội địa khiến ATA chịu lỗ 28,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 176 triệu đồng nâng lũy kế 6 tháng đầu năm 2015 lên mức lỗ 34,7 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ thường niên, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015 với doanh thu 200 tỷ, lỗ 15 tỷ. NTACO dự kiến phải sang 2016 mới có lãi, cụ thể kế hoạch 2016 doanh thu 400 tỷ và lợi nhuận 2 tỷ. Năm 2017 đặt kế hoạch doanh thu 500 tỷ và lợi nhuận 5 tỷ đồng.

COMA 18 (CIG) cũng báo lỗ quý thứ 6 liên tiếp với mức lỗ , nguyên nhân là do công ty đang tập trung vào việc thực hiện tiếp các hạng mục công trình cơ khí, xây lắp dở dang chuyển từ năm 2013 và tìm kiếm công việc, tham gia đấu thầu các dự án công trình mới, dự án BĐS chưa đủ điều kiện để ghi nhận doanh thu. Năm 2015 công ty này cũng đã dự kiến sẽ lỗ tiếp 5 tỷ đồng sau khi lỗ đậm gần 62 tỷ đồng trong năm 2014.

Trong quý 2/2015 cũng còn một số doanh nghiệp thua lỗ khác đáng chú ý, Vinaconex 5 (VC5) lỗ gần 8 tỷ đồng trong quý 2 do thị trường xây lắp gặp khó khăn khiến VC5 lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 14,7 tỷ đồng. Năm 2015 VC5 dự kiến lãi 390 triệu đồng và dự kiến đến hết năm 2019 mức lãi cũng chỉ dưới 5 tỷ đồng trong khi giai đoạn trước đó VC5 luôn có lãi hơn chục tỷ đồng/1 năm. Hay việc trích lập dự phòng gần 8 tỷ cho ‘1 cổ phiếu tồn đọng’ khiến PSI lỗ 7,3 tỷ đồng trong quý 2/2015, Sau nửa năm 2015, PSI lỗ gần 6 tỷ đồng.

Hiện mới có hơn một nửa số doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán (670 mã) công bố BCTC quý 2/2015, theo đó những bất ngờ trong nửa sau của mùa BCTC quý 2/2015 sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường. Tuy nhiên với những doanh nghiệp đã báo lỗ trong quý 2/2015 có thể thấy con số thua lỗ đã giảm mạnh so với cùng kỳ, mức độ thua lỗ cũng giảm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *