Đầu tư 15.000 tỷ cho tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án mới đây, lãnh đạo Bộ GTVT đã phát tín hiệu cảnh báo đối với nhà đầu tư dự án, yêu cầu nếu không có sớm có sự chuyển biến thì sẽ có biện pháp mạnh để xử lý.

Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 có chiều dài 51km tuyến cao tốc và 4,5km tuyến nối với tổng đầu tư gần 15.000 tỷ đồng. Điểm đầu của dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa tiếp nối đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương đang khai thác và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 30.

Dự án được thực hiện theo hình thức BOT, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018 và hoàn vốn bằng thu phí đường bộ với thời gian 20 năm có sự hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí đường bộ tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương trong 11 năm.

Dự án được thực hiện hợp đồng ký ngày 6/2/2015 giữa Bộ GTVT và Liên danh Nhà đầu tư (Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận) là Công ty cổ phần xây dựng Tuấn Lộc, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, Công ty cổ phần đầu tư  xây dựng BMT, Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi, Công ty cổ phần Hoàng An và Công ty cổ phần đầu tư cầu đường CII.

cao toc trung luong my thuan

Tuy nhiên, một trong những nhà đầu tư tham gia góp vốn là Công ty cổ phần Hoàng An vừa có công văn chính thức xin thôi không tham gia và rút vốn chủ sở hữu khỏi dự án mặc dù đã nộp đầy đủ 154 tỷ đồng từ ngày 15/4/2015 theo cơ cấu góp vốn là 10%.

Theo Hoàng An, hiện nay việc triển khai dự án trên hiện trường không thực hiện được với 3 lý do đó là đứng đầu liên danh cho đến nay chưa xin được thủ tục cấp chứng nhận đầu tư; Dự án không thu xếp được vốn tín dụng; Việc phân chia khối lượng không thống nhất.

Các vướng mắc này tiếp tục không có hướng để tháo gỡ khiến cho dự án bị đình trệ, không triển khai được, gây thiệt hại nhiều cho các nhà đầu tư nên Công ty cổ phần Hoàng An xin rút vốn chủ sở hữu đã nộp vào doanh nghiệp dự án.

Nếu khả năng nhà đầu tư này rút vốn thành hiện thực, việc góp đủ vốn chủ sở hữu vốn đã chậm, sẽ càng chậm hơn. Cụ thể, theo đơn vị quản lý dự án là Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM), cho đến ngày 16/6/2015, các nhà đầu tư trong liên danh mới góp được 1.408 tỷ đồng trong tổng số 1.542 tỷ đồng vốn chủ sở hữu theo yêu cầu. Nhưng số vốn góp này mới chỉ là báo cáo của Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, còn trong suốt 3 tháng qua, CIPM đã nhiều lần đề nghị nhà đầu tư xác nhận số dư tiền gửi tại ngân hàng nhưng Công ty không thực hiện.

Không chỉ có việc góp vốn chủ sở hữu mới đạt 91,92% theo yêu cầu, công tác thu xếp vốn cho dự án bằng nguồn vốn tín dụng cũng chưa xong. Tại cuộc họp ngày 8/6/2015, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các nhà đầu tư chậm nhất đến 25/6 phải có giấy chứng nhận đầu tư và đến ngày 5/7 phải ký được hợp đồng tín dụng để triển khai dự án. Tuy nhiên, cho đến nay, Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận vẫn chưa ký được hợp đồng tín dụng.

Không những thế, tiến độ giải phóng mặt bằng cũng chậm so với yêu cầu của Bộ GTVT là phải hoàn thành trước 15/8/2015. Cụ thể, tính đến ngày 24/8, CIPM mới bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương 35km (24/28 gói), dự kiến bàn giao hiện trường 4km (4/28 gói) còn lại cho địa phương từ 31/8-10/9. Trong 5 gói thi công trước (12km), mới bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương được 3 gói.

Với kết quả này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể không hài lòng với tiến độ của dự án so với các chỉ đạo của Bộ, do tất cả những công việc này theo chỉ đạo của Thứ trưởng phải hoàn thành trước 15/8. Lãnh đạo Bộ GTVT cảnh báo, phải thay đổi cách điều hành, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ nếu không có sự chuyển biến thì sẽ có biện pháp mạnh để xử lý.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *