Triết học Tiền Cổ đại và Cổ đại thường được nghiên cứu theo tiêu chí đóng góp của cá nhân: ví dụ, Heraclitus, Parmenides, Anaxagoras, Empedocles, Platon và Aristoteles[2]. Thế nhưng vẫn có ngoại lệ, đó là nhóm các triết gia phái Pythagoras đã tập hợp được một cộng đồng triết học miền Nam nước Ý, và sau đó tại các nơi khác vào thế kỷ thứ 6 và thứ 5 tr. CN. Thời kỳ Văn hoá Hy lạp, nói chung lại thường được nghiên cứu theo học thuyết của trường phái—dù rằng các đại diện sáng lập lỗi lạc của các trường phái ấy nổi bật trong các cuộc thảo luận. Một phần, đó là do bản chất của cứ liệu còn lại. Ví dụ, chúng ta có tóm lược về đạo đức Stoics[3] thời hậu kỳ cổ đại, nhưng lại có ít thông tin hơn về đóng góp của từng cá nhân các nhà tư tưởng Stoics về đạo đức. (Tôi sẽ nói nhiều hơn về tình trạng cứ liệu còn tồn tại ở phần sau.) Mặt khác, trong thời kỳ Văn hoá Hy lạp, một số các trường phái triết học trên thực tế đã phát triển và giữ vững lập trường học thuyết rõ rệt, thường nhằm tranh luận với các nhóm khác.
Trong trên dưới ba thế kỷ rưỡi trước Công nguyên, khung cảnh triết học, với trung tâm địa lý tại Athens, sầm uất nhờ bốn trường phái chính: Hàn lâm do Platon (427–347) sáng lập, Peripat etikos do Aristoteles (384–322) sáng lập, Stoics do Zeno từ Citium (333–261) sáng lập, và Tư viên do Epicurus (341–270) sáng lập. Chủ nghĩa Hoài nghi[4], mà Pyrhho (khoảng 360–270) thường được coi là nhân vật sáng lập, và chủ nghĩa Cynici[5] mà Diogenes từ Sinope (khoảng 412–323) thường được coi là nhân vật sáng lập, cũng đã trở thành gia tài triết học lâu dài, tuy các chủ nghĩa này không được tổ chức giống như các trường phái kia. Thêm vào đó, ngoài Athens, các trường phái Cyrenaics, Elis[6], Eretria và Megara[7] cũng có mặt. Tuy nhiên, họ chỉ tồn tại trong một đoạn thời gian ngắn hơn, và hiểu biết của chúng ta về thành viên và quan điểm của họ rất giới hạn.
Năm 176 sau CN, Hoàng đế La mã Marcus Aurelius, tự mình xứng đáng là một triết gia Stoics, thiết lập ghế triết học ở Athens cho phái Hàn lâm, Peripatetikos, Epicurus, và Stoics. Mặc cho việc định chế hoá các trường phái tách biệt này, tư tưởng triết học hậu cổ đại ngày càng nghiêng về hướng tổng hợp, trước nhất là quan điểm của các phái Hàn lâm, Peripatetikos, và Stoics. Triết học của triết gia phái Hàn lâm Plotinus (205–270) kết tinh khuynh hướng này. Từ đó, triết học hậu Hàn lâm, bây giờ được gọi là chủ nghĩa Tân Platon, nổi lên thành đề mục lớn, do rút ra, diễn dịch lại, và tích hợp từ các yếu tố và tinh hoa trí tuệ của các trường phái khác nhau. Nói tóm lại, triết học của thế kỷ cuối hậu cổ đại đại thể tương đương với triết học Tân Platon, tự nó là sự pha trộn và xào nấu lại của nhiều ý tưởng triết học trước đó.