ĐHCĐ năm 2015 của DongA Bank sẽ được tổ chức vào ngày 21/7

ĐHCĐ năm 2015 của DongA Bank sẽ được tổ chức vào ngày 21/7. Trong những năm gần đây, kết quả kinh doanh của ngân hàng ở xu hướng đi xuống. Sau kế hoạch tăng vốn bất thành năm ngoái, năm nay ngân hàng tiếp tục lên phương án đưa vốn điều lệ tăng thêm 1.000 tỷ bằng việc bán 17% cổ phần cho Kinh Đô.

Lợi nhuận tụt dốc

Lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) bắt đầu giảm từ năm 2011, kinh doanh thất bát và đi xuống một cách nhanh chóng. Năm 2014, ngân hàng chỉ lãi ròng gần 27 tỷ đồng, giảm hơn 91% so với năm trước đó và đạt 7% kế hoạch đề ra. Thậm chí trong nửa cuối năm qua ngân hàng lỗ xấp xỉ 200 tỷ đồng. Trong khi đó chỉ 3 năm về trước, vào năm 2011 ngân hàng vẫn lãi gần nghìn tỷ.

Lợi nhuận của ngân àng giảm chủ yếu do thu nhập lãi giảm mạnh. Năm 2014, thu nhập lãi thuần của DongA Bank chỉ đạt 1.483 tỷ đồng, giảm 744 tỷ tương đương 33% so với năm trước.

Nguyên nhân khiến cho thu nhập lãi thuần giảm là do tín dụng của ngân hàng không tăng nổi, khi năm vừa qua âm 2,3% so với năm liền trước. Trong khi đó lãi suất cho vay lại thấp khiến cho khoản lãi thu về không cao. Huy động vốn của ngân hàng cùng thời kỳ lại tăng trưởng vượt bậc. Tỷ lệ lãi cận biên (NIM) năm vừa rồi chỉ đạt 2,18% trong khi năm trước đó là hơn 3,5%.

Ngoài ra, một số khoản thu nhập khác của ngân hàng cũng giảm khá mạnh như thu nhập từ góp vốn mua cổ phần và mua bán đầu tư chứng khoán. Trong khi đó, chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro lại tăng, cuối cùng dẫn lợi nhuận bị tụt dốc.

Trước năm 2011, lợi nhuận của DongA Bank nhìn chung tăng khá đều đặn, tình hình kinh doanh khá tốt. Nhưng từ sau 2011, cùng chung bối cảnh khó khăn của cả hệ thống, bên cạnh những khó khăn riêng, DongA Bank cũng không tránh khỏi tình trạng đi xuống.

Giải thích cho kết quả kinh doanh năm qua, trong một lần trả lời báo chí gần đây, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc ngân hàng cho hay, năm 2014, lợi nhuận của Ngân hàng ở mức khiêm tốn do phải tập trung mọi nguồn lực để trích lập dự phòng khi đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC. Lợi nhuận trong 5 tháng đầu năm 2015 cũng được dành phần lớn để trích lập dự phòng rủi ro.

Tuy nhiên, lật lại báo cáo tài chính của Ngân hàng thì khoản trích lập dự phòng năm 2014 có tăng nhưng chỉ tăng nhẹ hơn 1% so với năm liền trước. Cho nên lý giải trên dường như chưa thỏa lòng các nhà đầu tư.

Vấn đề nợ xấu cũng là vấn đề nổi cộm đối với DongA Bank. Tổng nợ xấu Ngân hàng đã bán cho VAMC trong năm 2014 là xấp xỉ 1.700 tỷ đồng và dự kiến trong năm nay sẽ bán thêm 7.000 tỷ đồng nữa. Tỷ lệ nợ quá hạn tại DongA Bank đến cuối quý III/2014 chiếm đến 13% trên tổng dư nợ.

Tăng vốn không thành

Từ năm 2011 đến nay, DongA Bank đã có 2 lần tăng vốn thành công và một lần không thành, hiện vốn điều lệ của Ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Năm 2012, sau khi vốn điều lệ của DongA Bank được tăng từ 4.500 tỷ lên 5.000 tỷ, Ngân hàng vẫn tiếp tục đề ra kế hoạch tăng vốn thêm 1.000 tỷ để nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, kế hoạch tăng vốn này đã không thành công bởi đến cuối năm 2013, tổng số tiền cổ đông đã nộp và cam kết sẽ nộp vẫn chưa đủ, sau đó ngân hàng phải chính thức thông báo hủy bỏ kết quả đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng và trả lại tiền cho cổ đông.

Nguyên nhân được DongA Bank đưa ra là do các cổ đông chưa chuẩn bị được nguồn tiền kịp. Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC) nguyên nhân chính dẫn tới kế hoạch tăng vốn trên bất thành do cổ đông không mấy mặn mà khi giá cổ phiếu thấp hơn giá phát hành.

Đầu năm nay, DongA Bank lại tiếp tục kế hoạch tăng vốn khi đã nộp hồ sơ đăng ký chào bán cho cổ đông hiện hữu 100 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 5:1 với giá bán dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu.

Mối “lương duyên” cùng ABBank và Kinh Đô?

Cùng với quá trình đi xuống, Dong A Bank cũng được thị trường chú ý khá nhiều thời gian qua vì những tin đồn liên quan đến việc sáp nhập với Ngân hàng An Bình ABBank – một ngân hàng có quy mô tương đương nhưng lợi nhuận tốt hơn Đông Á.

Tháng 2/2015, ông Cao Sỹ Kiêm, chủ tịch DongA Bank, khi trả lời báo chí đã xác nhận rằng “đúng là DongA Bank và ABBank đang quan tâm đến nhau nhưng hiện nay vẫn chỉ đang trong giai đoạn tìm hiểu”.

Tuy nhiên cho tới nay, việc sáp nhập của 2 ngân hàng này vẫn chưa được rõ ràng. Thực tế việc đàm phán của hai ngân hàng đến giờ vẫn chưa cho được kết quả cũng là điều dễ hiểu. DongA Bank và ABBank là hai ngân hàng có hai đặc trưng văn hóa Nam – Bắc khác nhau, việc tìm thấy tiếng nói chung trong văn hóa công ty là không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, đây không phải việc sáp nhập giữa một ngân hàng rất to với một ngân hàng rất nhỏ về quy mô hoặc giữa một ngân hàng khỏe và một ngân hàng đang rất yếu về giá trị tài sản mà là giữa hai ngân hàng có quy mô gần tương đương nhau nên việc tìm tiếng nói chung trên rất nhiều yếu tố sẽ rất phức tạp và mất thời gian.

Trong khi câu chuyện giữa DongA Bank và ABBank còn chưa ngã ngũ, nhà đầu tư còn chờ đợi thông tin thêm ở ĐHCĐ của nhà băng này vào ngày 21/7 tới đây thì bất ngờ DongA Bank thông tin cho biết ngân hàng đã đàm phán với các đối tác và CTCP Kinh Đô (KDC) đã cam kết trở thành nhà đầu tư chiến lược mua toàn bộ cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Kinh Đô sẽ chi 1.000 tỷ đồng để mua 100 triệu cổ phiếu Dong A Bank với giá bằng mệnh giá. Đợt phát hành dự kiến diễn ra trong Quý 3/2015. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành. Nếu phát hành thành công, Kinh Đô sẽ là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này với tỷ lệ sở hữu sau phát hành đạt xấp xỉ 17%.

Việc sẽ có cổ đông chiến lược là KDC hay sẽ có mối quan tâm nào khác, chắc chắn các cổ đông và thị trường sẽ phải chờ đợi thêm tới sau ĐHCĐ của DongA Bank vào ngày 21/7.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *