Dòng tiền ồ ạt dạt vào bất động sản

Thị trường bất động sản (BĐS) đang có những dấu hiệu “ấm” lên, khi lượng tiền đổ vào BĐS đã tăng đáng kể. Đây là tín hiệu mừng nhưng lại ẩn chứa nhiều rủi ro khi “bong bóng” BĐS có nguy cơ quay lại. Các chuyên gia BĐS khuyến cáo nên thận trọng khi xuống tiền đầu tư.

Dồn dập đầu tư

Dự án đất nền tại dự án Eco Five Star tại huyện Cần Giuộc (Long An) đã tạo sự bất ngờ cho thị trường BĐS, khi những sản phẩm tung ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Có khách hàng đã bỏ ra gần 10 tỷ đồng để đầu tư 20 nền đất, với lý do chờ cơ hội sinh lời. Theo khách hàng này, lãi suất tiền gửi hạ thấp, không yên tâm với tính ổn định của thị trường chứng khoán, nên có bao nhiêu tiền nhàn rỗi đầu tư vào đất cho chắc.

Không chỉ đất nền, những dự án chung cư tại TP Hồ Chí Minh cũng có lượng khách tiêu thụ lớn. Đặc biệt, có những dự án, một khách hàng sẵn sàng xuống tiền mua vài căn hộ để đầu tư. Báo cáo mới nhất của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho thấy, trong tháng

5-2015, tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 1.600 giao dịch nhà đất thành công, tăng gần 6% so với tháng trước. Ước trong tháng 6 này sẽ có khoảng 1.700 giao dịch thành công. Với mức tăng trưởng này, ước tính sáu tháng đầu năm 2015, thành phố có khoảng 7.050 giao dịch thành công, tăng gấp 2,8 lần lượng giao dịch thành công cùng kỳ năm 2014.

the gold view

Số lượng dự án BĐS chào bán trên thị trường cũng ngày càng tăng, từ cao cấp đến thấp cấp. Công ty cổ phần đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam ra mắt dự án khu phức hợp The Gold View (quận 4) gồm hai tòa tháp A (33 tầng và 2 tầng hầm) và B (27 tầng và 2 tầng hầm), sẽ cung cấp cho thị trường 1.905 căn hộ. Công ty Bất động sản Nam Tiến mở bán dự án The Easter City (huyện Bình Chánh) quy mô 33.000 m2 gồm sáu block chung cư cao 30 tầng, với hơn một nghìn căn hộ có diện tích nhỏ từ 51 đến 70 m2.

Ở dòng sản phẩm cho người thu nhập thấp, Công ty cổ phần Tổ chức Nhà quốc tế (N.H.O) cũng tung ra thị trường dự án First home premium Khang Việt (quận 9) với diện tích của dự án là 18.333 m2, mật độ xây dựng chỉ khoảng 41%, gồm ba tòa nhà 15 đến 19 tầng, diện tích mỗi căn từ 44,95 đến 100,45m2 .

Liệu có xảy ra “bong bóng” bất động sản?

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm tháng đầu năm 2015, BĐS là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 10 dự án đăng ký mới và bảy lượt dự án tăng vốn, tổng vốn thu hút là 461,5 triệu USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư. Như vậy, trong vòng một tháng (từ 20-4 đến 20-5), lĩnh vực kinh doanh BĐS đã thu hút 134,5 triệu USD vốn FDI.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, hết tháng 5-2015, nguồn kiều hối “chảy” về thành phố thông qua các ngân hàng trên địa bàn đạt 1,7 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014 và bằng khoảng 35% so với cả năm 2014. Điều đáng quan tâm, đang có sự dịch chuyển qua lại giữa các kênh đầu tư. Ngoài “dòng chảy” vào kinh doanh, lượng kiều hối “chảy” vào kênh BĐS tăng cao hơn, dự báo tăng khoảng 23% – 24% (năm 2014 tăng 21,2%).

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS tính đến 31-3-2015 đạt 333.701 tỷ đồng, tăng 10,5% so với thời điểm 31-12-2014.

Nhìn lại bức tranh thị trường BĐS năm tháng đầu năm có thể thấy, thị trường này đã thật sự qua giai đoạn khủng hoảng và bước vào giai đoạn phát triển mới. Nhiều ý kiến lo ngại, sẽ xuất hiện một đợt “bong bóng” BĐS mới trên thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia BĐS, phần lớn giao dịch mua nhà hiện nay đều là nhu cầu ở thực khác thời kỳ trước đây là nhằm mục đích đầu cơ. Trước đây, giao dịch phần lớn dưới dạng hợp đồng góp vốn, thậm chí là giấy viết tay được trao đi, đổi lại nhiều lần, khiến giá BĐS trên giấy tăng “ảo”, dẫn tới hiện tượng bong bóng.

Tổng Giám đốc một công ty BĐS cho biết: “Bong bóng” BĐS chỉ xảy ra khi tiền nhàn rỗi đổ vào đầu cơ BĐS. Trên thị trường hiện nay, lượng tiền đổ vào BĐS đang là nhu cầu ở thực. Do vậy, với số lượng dự án chào bán tăng đột biến trong thời gian qua mới chỉ tiềm ẩn khả năng dư cung. Rủi ro này thị trường sẽ tự điều tiết khi cần thiết. Cách hạn chế tốt nhất vẫn phụ thuộc vào các ngân hàng. Các ngân hàng cần lường trước những rủi ro trong việc đẩy vốn vào BĐS với sự kiểm soát chặt chất lượng cho vay không được buông lỏng tín dụng, cho vay dưới chuẩn, đồng thời, các ngân hàng phải cảnh giác việc sử dụng vốn sai mục đích.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *