Hãy là bạn

Tony Fernandes: Ông chủ kiêm tiếp viên hàng không, nhân viên mang hành lý, nhân viên check-in

“Khi mới khởi nghiệp, tôi quyết định tự mình sẽ trải nghiệm tất cả các công việc. Mỗi tháng tôi lại làm việc của một tiếp viên hàng không, hai tháng một lần tôi lại trở thành nhân viên mang hành lý, và cứ ba tháng tôi lại làm nhiệm vụ check – in”, ông Tony Fernandes – Nhà sáng lập kiêm CEO AirAsia chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh thường niên của Forbes Việt Nam (Forbes Business Forum 2015) diễn ra tuần trước.

“Nhờ những trải nghiệm thực tế như vậy, tôi đã có nhiều điều chỉnh hợp lý để nâng cao hiệu suất làm việc cho toàn bộ công ty”.

Ông kể lại: Khi máy bay Airbus được đưa vào sử dụng, các nhân viên đã đề xuất về việc sử dụng băng chuyền vận chuyển hành lý do khoang chứa đồ khá cao. Ông đã thẳng thừng từ chối với lý do chi phí đắt đỏ. Nhưng rồi trong một lần làm nhân viên khuân vác, việc chất những vali hành lý quá nặng lên cao khiến ông suýt gãy lưng. Ngay lập tức, ông đầu tư lắp đặt băng chuyền.

Điều mà AirAsia rất tự hào, theo ông Tony, là “phát triển nhân tài và phá vỡ những nguyên tắc làm việc truyền thống”.

“Trước đây, AirAsia không có phi công nữ. Giờ đây con số này đã lên đến 42”, ông Tony nói.

“Người châu Á khá độc đoán và thường không có thiện chí với sự phá cách hay thẳng thắn trong công việc. Quan niệm này buộc phải thay đổi nếu ta muốn phát triển. Người lãnh đạo cũng cần phải sẵn sàng tiếp nhận sự phê bình – điều mà hầu hết những người Châu Á còn e dè. Tôi tin rằng nếu thế hệ mai sau có thể phát huy lối tư duy sáng tạo và tự tin phản biện, chúng ta hoàn toàn có thể sánh ngang với nước Mỹ và Tây phương”.

“Đừng lắng nghe ai cả! Bạn đang đi đúng hướng và đúng lúc”

Tại diễn đàn, ông Tony cũng dành những lời khuyên rất tâm huyết tới các bạn trẻ.

“Đừng lắng nghe ai cả. Bạn đang đi đúng hướng và đúng lúc. Câu chuyện của AirAsia là một minh chứng. Không ai tin rằng ba chàng trai sản xuất âm nhạc lại có thể điều hành một hãng hàng không lâu đến thế. Vì vậy hãy cứ tiếp tục con đường của bạn”, ông Tony nói.

“Tôi vẫn luôn nói với mọi người rằng chúng ta chỉ sống một lần mà thôi. Cuộc sống rất đáng quý. Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Đừng để đến khi bạn 65 tuổi và nói rằng “ước gì mình đã làm điều đó”. Đã quá trễ!”

“Hãy theo đuổi đam mê. Dù cho có thất bại thì ít nhất bạn đã từng cố gắng. Hãy sống với ước mơ của mình. Vì biết đâu một ngày mơ ước sẽ trở thành sự thật”.

28 năm sau ngày ông rời quê hương đến học ở Anh Quốc, một người bạn học gửi lại ông thùng đồ dùng cá nhân của ông năm xưa. Phía trước thùng đồ có 3 tấm nhãn dán – những hoài bão của ông năm 12 tuổi.

Một tấm là hình hãng hàng không Qantas (bố ông đã cười to khi ông thổ lộ về giấc mơ mở một hãng hàng không năm lên 7 tuổi). Ở chính giữa là hình dán một đội đua xe F1. Cuối cùng, bên góc phải là hình đội bóng West Ham United với giấc mơ sở hữu một đội bóng đá.

“Đó là những ước mơ của tôi khi tôi 12 tuổi. Giờ đây khi nhìn lại, tôi đã làm được tất cả!”, ông chia sẻ.

“Lời nhắn nhủ của tôi đến các bạn doanh nhân và những ai mong muốn khởi nghiệp là: Ước mơ sẽ thành trở hiện thực. Hãy cố gắng hết mình, tận hưởng cuộc sống. Đừng để bất cứ ai nói rằng bạn không thể, vì mọi thứ đều có thể xảy ra”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *