Kịch bản nào cho kinh tế Việt ?

Khi tham gia cả 2 khối TPP và AEC, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP lớn nhất tính theo % trong hầu hết các kịch bản. Tuy nhiên, tác động của AEC là nhỏ và không đáng kể so với TPP.

Tại hội thảo “Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam: Các tác động vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng 3/8, các chuyên gia tham dự đã chia sẻ những tác động của các hiệp định này đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR cho biết, hội nhập luôn mang lại cả cơ hội và thách thức cho các nước tham gia và ảnh hưởng gián tiếp tới cả những nước không tham gia. Quá trình hội nhập sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của toàn bộ nền kinh tế.

Trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên TPP, xuất khẩu liên tục tăng nhanh; hiện ở mức 38-39% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, Mỹ và Nhật hiện là 2 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong TPP.

Ngược lại, tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam từ TPP cũng đang giảm dần (23% tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2014); thay vào đó là nhập khẩu từ Trung Quốc (29,6%).

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, khi tham gia cả 2 khối TPP và AEC, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP lớn nhất tính theo % trong hầu hết các kịch bản. Tuy nhiên, tác động của AEC là nhỏ và không đáng kể so với TPP.

Về đầu tư, tổng mức đầu tư toàn xã hội sẽ tăng ở các nước nội khối và giảm ở các nước ngoại khối sai TPP và AEC có hiệu lực.

TPP sẽ kích thích sự hình thành các nguồn vốn cố định ở Việt Nam. Trong các kịch bản TPP, Nhật Bản là nước tăng giá trị đầu tư lớn nhất, tuy nhiên Việt Nam lại là nước có giá trị tương đối lớn nhất.

Đối với các kịch bản AEC, kết quả dự báo cho thấy Campuchia là nước có mức tăng đầu tư theo % lớn nhất trong số các nước tham gia AEC.

Đồng thời, cũng theo các chuyên gia VEPR, trong hầu hết các kịch bản, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu giảm ở một số ngành công nghiệp do không cạnh tranh được với hàng hóa đến từ các nước khác như ngành chế biến thực phẩm của Mỹ, ngành thiết bị điện tử của Trung Quốc, ngành máy móc của Nhật Bản…

Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng chủ yếu ở những ngành có lợi thế so sánh như dệt may (gần 50% kim ngạch hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ) và da giày. Mức tăng này tương ứng với dòng vốn đầu tư theo ngành.

“Trong trường hợp AEC có hiệu lực, mặc dù tác động không đáng kể nhưng ngay cả những ngành lợi thế của Việt Nam cũng có xu hướng thu hẹp trong xuất khẩu. Chỉ có mặt hàng gạo và một số sản phẩm công nghiệp khác là có tăng trong giá trị xuất khẩu” – TS Nguyễn Đức Thành cho biết.

Bên cạnh đó, khi TPP có hiệu lực sẽ có sự thay đổi đáng kể về cầu lao động trong nền kinh tế. Một số ngành như may mặc, dệt may, da giày sẽ mở rộng quy mô sản xuất và là những ngành thu hút nhiều lao động; kể cả lao động có kỹ năng và lao động phổ thông.

Ngược lại, một số ngành không còn thu hút được lao động như chế biến thực phẩm, sản phẩm hóa chất và kim loại.

Tương tự như GDP, hầu hết các nước tham gia TPP hoặc AEC đều cho thấy mức tăng phúc lợi kinh tế sau khi có hiệu lực.

Theo dự báo của nhóm nghiên cứu VEPR, Việt Nam sẽ đạt mức tăng % lớn nhất (5,4%); tương đương 6,1 tỷ USD. Trong khi đó, Nhật Bản là nước có lợi nhất với mức tăng lên tới 18,7 tỷ USD. Trong nhóm các nước không tham gia TPP, đặc biệt là Trung Quốc sẽ bị giảm tương đối trong phúc lợi kinh tế.

“Trong trường hợp cả TPP và AEC có hiệu lực, thu ngân sách từ thuế sẽ giảm khoảng 1,9 tỷ USD; trong đó giảm chủ yếu từ thế nhập khẩu. Mức sụt giảm lớn nhất trong các nhóm ngành dầu khí, hóa chất, kim loại và nhóm thực phẩm chế biến…” – báo cáo của nhóm tác giả VEPR nhận định.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *