Làm sao dùng thẻ tín dụng an toàn khi sử dụng để mua hàng trên mạng?

Bạn đang cảm thấy không an tâm khi mua hàng trên mạng bằng thẻ tín dụng? Do đọ trong lúc sử dụng thẻ tín dụng làm sao để an toàn hơn trên mạng không phải bạn nào mua hàng cũng để ý. Hãy cùng xem 7 cách dùng thẻ tín dụng sao cho an toàn nhất.

Cũng như thế giới thực, trên Internet có rất nhiều cạm bẫy mà những kẻ lừa đảo giăng ra để làm giàu nhanh chóng. Tại đây, chúng có nhiều công cụ để hoạt động ẩn danh và khó bị phát hiện. Tuy nhiên, chỉ cần làm theo các bước dưới đây, bạn sẽ được bảo vệ tốt hơn khi thanh toán bằng thẻ tín dụng trên Internet.

1. Luôn dùng thẻ tín dụng khi thanh toán trên mạng

Nguyên tắc đầu tiên để an toàn khi thanh toán trên mạng là chỉ dùng thẻ tín dụng, không nên dùng thẻ ghi nợ. Chúng có khả năng bảo vệ người dùng tốt hơn và tại Mỹ, chủ thẻ cũng chỉ bị mất tối đa 50 USD trong trường hợp thẻ bị đánh cắp. Nhiều loại thẻ còn cho phép người dùng không mất xu nào.

2. Kiểm tra chữ “s” trên địa chỉ trang web

Khi nhập thông tin cá nhân, hãy đảm bảo địa chỉ website bạn đang truy cập bắt đầu bằng https:// hơn là https://. Chữ “s” có nghĩa website này sử dụng một hệ thống mã hóa để bảo vệ thông tin người dùng. Dĩ nhiên, việc này không đảm bảo 100% bạn được an toàn, nhưng ít ra, nó cũng là cách kiểm tra nhanh và dễ dàng nhất xem bạn có đang được bảo vệ hay không.

3. Không dùng máy tính công cộng

Nếu website đặt chế độ lưu thông tin đăng nhập, người khác dùng máy có thể truy cập tài khoản của bạn. Kể cả nếu bạn đã đăng xuất, các hacker vẫn có thể lần ra thông tin nếu cài phần mềm theo dõi bàn phím.

Thậm chí, nếu dùng laptop hay điện thoại cá nhân, bạn vẫn không an toàn nếu truy cập mạng wifi công cộng. Tốt nhất là dùng wifi nhà riêng hoặc cài thêm mạng riêng ảo (VPN) nếu phải vào mạng nơi công cộng.

4. Luôn cập nhật phần mềm diệt virus

Tất cả máy tính đều cần phần mềm diệt virus. Nếu không, việc này chẳng khác nào bạn mở toang cửa cho trộm vào nhà. Hãy cài một phần mềm tốt và cập nhật thường xuyên. Các bản sửa lỗi cho trình duyệt và hệ điều hành cũng rất cần thiết. Với những người không rành về công nghệ, việc này có thể hơi phức tạp một chút. Nhưng ngày nay, tất cả công đoạn này gần như được làm tự động, miễn là bạn có cài phần mềm.

5. Kiểm tra chứng nhận của website

Phần lớn các website hợp pháp đều được chứng nhận an toàn từ các hãng bảo mật như McAfee, Better Business Bureau, VeriSign hay TRUSTe. Nó sẽ giúp người dùng yên tâm hơn khi sử dụng dịch vụ của các trang này. Các chứng nhận cũng có thể bị làm giả, nhưng nếu không có, bạn cũng sẽ phải cân nhắc khi điền thông tin cá nhân.

6. Đặt mật khẩu an toàn

Hãy chú trọng đến việc đặt mật khẩu. Tốt nhất là có cả số, chữ, chữ in hoa, chữ thường và ít nhất một ký tự đặc biệt như @ hay %. Đừng dùng các thông tin lộ liễu như tên, số chứng minh thư hay thậm chí là từ “mật khẩu”. Các tài khoản khác nhau cũng nên có mật khẩu riêng.

7. Phân tích tình hình trước khi hành động

Nếu một website nhìn có vấn đề, như giao diện nghèo nàn hay trông cổ lỗ, bạn không nên truy cập nữa. Những tên tuổi lớn như Amazon hay Best Buy sẽ đáng tin hơn nhiều.

Bên cạnh đó, nếu bạn nhận được một email kèm đường dẫn đến website, đừng bao giờ kích thẳng vào đó để mua sắm, kể cả nếu đấy là công ty nổi tiếng. Thay vào đó, bạn có thể tự gõ địa chỉ hoặc tìm trên Google để tránh các đường dẫn giả mạo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *