Mối họa tiềm ẩn cho châu Âu nếu đầu tư vào Trung Quốc

Giao dịch thương mại lớn giữa Châu Âu và Trung Quốc là một nhân tố góp phần cải thiện doanh thu các công ty cũng như nền kinh tế khu vực này. Tuy nhiên, rủi ro giảm tốc của Trung Quốc hiện có nguy cơ xói mòn những thành quả mà Liên minh Châu Âu đã đạt được.

Thị trường chứng khoán thế giới đã có một phiên ảm đạm ngày 27/7 do biến động mạnh của chứng khoán Trung Quốc. Thị trường Đức và Pháp đã mất hơn 2% giá trị.

Sự suy giảm mạnh mẽ của chứng khoán Trung Quốc đã làm gia tăng lo ngại về tình hình giảm tốc kinh tế trầm trọng của nước này cũng như ảnh hưởng đến sự phục hồi của Châu Âu.

Những số liệu chính thức mới nhất cho thấy xuất khẩu từ Châu Âu sang Trung Quốc năm 2013 đã đạt mức kỷ lục 148 tỷ Euro (164 tỷ USD) và giao dịch thương mại hàng ngày giữa 2 thị trường đạt hơn 1 tỷ Euro.

Tăng trưởng kinh tế chậm cùng sự suy giảm trong nhu cầu thị trường đang làm tình hình tại Trung Quốc ngày càng ảm đạm. Những nhãn hiệu lớn của Châu Âu như BMW hay Philips đã dự báo về tình hình Trung Quốc sẽ gây tổn thương đến kết quả kinh doanh của họ.

Chứng khoán phiên 27/7 rơi mạnh cho thấy những nỗ lực gần đây của chính quyền Bắc Kinh nhằm trấn an nhà đầu tư có thể không còn hiệu quả. Khoảng 3 nghìn tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi chứng khoán Trung Quốc trong tháng trước.

Do chứng khoán Trung Quốc chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ nên họ là những người phải chịu nhiều rủi ro nhất khi thị trường biến động. Điều đó đồng nghĩa với việc tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng và thu nhập của các nhà xuất khẩu Châu Âu tại quốc gia này sẽ suy giảm.

Giám đốc điều hành Philips Frans von Houten đã nói rằng công ty của ông đang ngày càng lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc. Đây là thị trường lớn thứ 2 thế giới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng của công ty và chiếm 11% doanh thu của Philips.

Chiến dịch chống tham nhũng và chi tiêu lãng phí gần đây của chính quyền Bắc Kinh càng làm tổn thương thu nhập của các doanh nghiệp Châu Âu trong lĩnh vực hàng xa xỉ hay ô tô.

Trung Quốc là một thị trường lớn đối với các công ty sản xuất ô tô Châu Âu. Hãng BMW có 19% doanh thu đến từ thị trường này nhưng cho biết mảng kinh doanh xe Roll Royce của hãng tại đây đang bị ảnh hưởng nặng. Doanh số bán Roll Royce tính đến tháng 6/2015 tại Trung Quốc đã giảm 10% so với cùng kỳ năm trước do suy giảm nhu cầu hàng xa xỉ.

Một nhãn hiệu cao cấp khác là Richemont and Prada cũng nhận định xu hướng suy giảm doanh thu trên thị trường Trung Quốc. Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi những báo cáo của hãng thời trang cao cấp LVMH, tập đoàn đồ uống Diageo hay công ty điện tử Siemens về doanh thu tại Trung Quốc.

Nền kinh tế Châu Âu đã có sự cải thiện vững chắc từ đầu năm 2015, nhưng tình hình bất ổn tại thị trường Trung Quốc đã tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế khu vực này.

Chuyên gia kinh tế Jonathan Loynes của Capital Economics nhận định kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và ảnh hưởng lớn đến ngành xuất khẩu của Châu Âu trong tương lai gần.

Ngoài ra, trong trường hợp chứng khoán Trung Quốc đổ vỡ và ảnh hưởng lan rộng, thị trường Châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *