Một số Kiểu nhân cách trong tâm lý hoc,có thể bạn chưa biết?

Tấm lý học) – Dưới đây là cách phân loại nhân cách theo định hướng giá trị trong hoạt động sống. Dựa vào định hướng giá trị trong hoạt đống sống của cá nhân Spranger, nhà tâm lý học người Đức thuộc trường phái tâm lý học mô tả, đã chia ra các kiểu nhân cách như sau:
Người lý thuyết
Kiểu người này chỉ có một niềm say mê: giải thích và thiết lập các mối quan hệ có tính lý luận giữa các hiện tượng hay sự việc. Họ sống thoát lý thực tế. Đối với họ giá trị lớn nhất là phương pháp nhận thức đúng, coi đó là chân lý với bất cứ giá trị nào. Họ sống trong một thế giới không có thời gian, cái nhìn của họ hướng tới tương lai xa xôi, họ liên kết quá khứ với tương lai, theo một qui luật tinh thần do chính họ lập ra.

Người kinh tế
Động cơ chính quyết định tính chất lối sống của người này là lợi ích. Trong các mối liên hệ sống, họ luôn đặt lợi ích lên hàng đầu. Họ tiết kiệm từ vật chất, sức lực đến thời gian, với mục tiêu là chiếm được lợi ích tối đa. Những người kinh tế thường là những người sống thực dụng. Với họ, mọi hành động đều phải đem lại hiệu quả thiết thực và tất cả đềulà phương thức hỗ trợ cuộc sống, đấu tranh vì sự tồn tại và tiện nghi sống tốt nhất. Kiếu nhân cách này đối lập với kiểu nhân cách của những người lý thuyết.

Người thẩm mỹ
Những nhân cách loại này không chỉ có ở những người sáng tạo nghệ thuật mà cả ở những người có trí tưởng tượng phong phú. Họ nhận thức và tư duy hiện thực thông qua tưởng tượng. Họ có một năng khiếu đặc biệt, đó là linh cảm. Họ thường sống mơ mộng, đứng trước những khó khăn về kinh tế thường tỏ ra bất lực. Đối với họ, cái cáo quý nhất là sự trong sáng và vẻ đẹp cao quí của tâm hồn. Cuộc sống nội tâm của họ thường hướng tới cái đẹp của thiên nhiên, sự toàn mỹ của các tác phẩm nghệ thuật.

Người vị tha
Đặc điểm của kiểu nhân cách này là sự chú ý quan tâm tới người khác, cảm nhận mình ở trong người khác. Cống hiến vì người khác là nhu cầu chủ yếu và lẽ sống của kiểu người này. Biểu hiện cao nhất trong xu hướng của họ là tình yêu. Tình yêu không chỉ đơn thuần là tình yêu cuộc sống, yêu con người mà còn bản chất sâu xa hơn : tình yêu là một tình cảm còn lại ở trong mình, chú ý đến số phận người khác vì những giá trị của chính những số phận khác đó. Chính tình yêu đã khám phá ra ở những người khác những giá trị nhất định, mà từ đó họ tìm thấy những ý nghĩa cuộc sống của mình khi được cống hiến cho người khác, cho xã hội.

Người chính trị
Một người có quyền lực đối với người khác khi họ có kiến thức và trí tuệ cao, hoặc là có vật chất dồi dào, hoặc là có nhân cách hoàn chỉnh và nội tâm phong phú, hoặc là do niềm tin tôn giáo nào đó mà mọi người coi đó như một ông thánh. Trong trường hợp đặc biệt, khi con người không hướng tới một trong bốn giá trị này, mà cái chính đối với họ là củng cố thế mạnh của chính bản thân mình. Uy quyền ở đây được xem như là khả năng cũng như cố gắng biến xu hướng giá trị của cá nhân thành động lực chủ yếu cho người khác. Đặc điểm nhân cách nổi bật của họ là tính tự khẳng định, cố gắng đạt thành tích, sức sống và lối sống mạnh mẽ. Mọi biểu hiển của các mối quan hệ dựa trên quyền lực đều mang một phong cách gọi là chính trị. Những người lấy quyền uy làm giá trị chủ đạo gọi là kiểu người chính trị.

Người tôn giáo
Người tôn giáo có đặc điểm là luôn hướng tới và đạt đến những giá trị ở mức cao nhất. Xét trên cơ sở những giá trị có quan hệ như thế nào với ý nghĩa chung của cuộc sống, có thể phân ra ba loại người: tích cực, tiêu cực và hỗn hợp (lúc tích cực, lúc tiêu cực). Khi các giá trị của cuộc sống thể hiện trong quan hệ tích cực thì kiểu nhân cách này thể hiện sự thần bí nội tại; nếu giá trị đặt trong quan hệ tiêu cực thì xuất hiện loại người thần bí siêu nghiệm, nếu là giá trị hỗn hợp thì xuất hiện tự chất tôn giáo nhị nguyên.

Sự phân chia kiểu nhân cách xã hội như trên của Spranger dựa trên cơ sở các định hướng giá trị. Tác giả không tính đến ý nghĩa các vai mà cá nhân dảm nhiệm trong nhóm, chưa tính đến các điều kiện lịch sử – xã hội cụ thể. Spranger mới chỉ dừng lại ở việc mô tả các biểu hiện đặc trưng của các loại nhân cách. Ông chưa lí giải được các loại nhân cách này hoà nhập vào nhóm như thế nào, sẽ tồn tại ra sao và có vai trò gì trong quan hệ tương tác của nhóm. Tuy nhiên, tính hợp lý của cách phân chia này là ở chỗ nó liên hệ cấu trúc của tính nhân cách cụ thể với các giá trị tinh thần mà nhân dân xây dựng nên cùng với các hình thức văn hoá.

Có thể thấy, việc nhận biết các kiểu loại nhân cách có lợi ích không chỉ đối với xã hội nói chung và với các nhà tâm lý học trong việc nghiên cứu về nhân cách và tâm lý cá nhân nói riêng, mà nó đã trở thành nhu cầu của chính bản thân mỗi chúng ta. Đó là nhu cầu của các cá nhân, nhằm mục đích tự đánh giá hành vi và vai trò cũng như vị trí xã hội của mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *