Một số quy định mới sắp có hiệu lực

Quy định mới, chính sách thoáng, loại bỏ nhiều thủ tục rườm rà, một số luật có hiệu lực từ tháng 7-2015 mở ra một môi trường kinh doanh thuận lợi phù hợp với xu hướng chung của thế giới

Từ ngày 1-7, nhiều luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành, như: Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (DN) 2014; Luật DN 2014; Luật Đầu tư 2014; Luật Nhà ở 2014; Luật Kinh doanh bất động sản 2014; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) 2014; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) 2014.

Giảm chi phí, đơn giản thủ tục

Luật Đầu tư (ĐT) 2014 đã mở rộng đối tượng không phải thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký (GCNĐK) ĐT đối với dự án ĐT của nhà ĐT trong nước, ĐT theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Với dự án ĐT nước ngoài, thủ tục cấp GCNĐK ĐT rút ngắn thời gian thực hiện từ khoảng 45 ngày xuống còn 15 ngày…

Bên cạnh đó, bỏ một số hình thức ĐT, như: hợp đồng BOT, BTO, BT; ĐT phát triển kinh doanh; ĐT thực hiện việc sáp nhập và mua lại DN; đồng thời, bổ sung hình thức ĐT theo hợp đồng đối tác công – tư (hợp đồng PPP). Theo đó, nhà ĐT, DN, dự án sẽ ký kết hợp đồng PPP với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án ĐT xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công.

Theo Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7, người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam. Trong ảnh: Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 Ảnh: TẤN THẠNH

Theo Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7, người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam. Trong ảnh: Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7

Sự ra đời của Luật DN 2014 đã thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013; bãi bỏ nhiều điều khoản thiếu tính khả thi và cản trở hoạt động của DN; giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục thành lập DN… Điển hình: Không ghi nhận ngành nghề kinh doanh trên GCNĐK DN, bỏ việc xác định vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề khi đăng ký ngành nghề kinh doanh; DN có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của DN theo quy định của pháp luật; bãi bỏ việc cấm một người đã làm giám đốc (tổng giám đốc) công ty cổ phần không được làm giám đốc (tổng giám đốc) các loại hình DN khác; công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; trong đó, có ít nhất một người cư trú tại Việt Nam…

Người nước ngoài được sở hữu nhà

Luật Kinh doanh bất động sản (KDBĐS) 2014 quy định những trường hợp mua bán, cho thuê, thuê mua bất động sản có quy mô nhỏ thì không phải thành lập DN nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định pháp luật. Muốn bán, cho thuê mua nhà ở đối với nhà ở hình thành trong tương lai, luật bắt buộc chủ dự án phải có bảo lãnh cho người mua nhà. Luật cũng cho phép các chủ đầu tư được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đã hoàn thiện hạ tầng.

Một trong những điểm mới nổi bật nhất của Luật Nhà ở 2014 là có một chương riêng quy định về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam hoặc mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Luật Nhà ở 2014 cũng quy định thời hạn sử dụng đối với nhà chung cư căn cứ vào cấp công trình xây dựng và kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư. Đồng thời, siết chặt về tổ chức, quản lý nhà chung cư, cơ cấu lại tổ chức ban quản trị nhà chung cư. Đối với ban quản trị nhà chung cư có một chủ sở hữu sẽ được tổ chức theo mô hình tự quản. Ban quản trị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được tổ chức và hoạt động theo mô hình hội đồng quản trị của công ty cổ phần hoặc mô hình ban chủ nhiệm của hợp tác xã, có tư cách pháp nhân, có con dấu và thực hiện các quyền, trách nhiệm của ban quản trị nhà chung cư quy định tại khoản 1 điều 104 Luật Nhà ở 2014.

Thu hồi điện thoại, máy tính bảng hết hạn sử dụng

Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ có hiệu lực từ ngày 15-7.

Theo đó, từ ngày 1-7-2016, sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thiết bị điện, điện tử thải bỏ như bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang, máy vi tính, màn hình máy vi tính, CPU máy tính, máy chụp ảnh, máy quay phim, điện thoại di động, máy tính bảng…

Với phương tiện giao thông là mô tô, xe máy các loại, ô tô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ ngày 1-1-2018.

Quyết định cũng nêu rõ nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam, thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *