Muốn thu hút sức đầu tư cần có sự minh bạch

Mục tiêu trong 5 năm tới giữa Việt Nam và Anh quốc là tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương

Thủ tướng Vương quốc Anh và Bắc Ireland, ông David Cameron, đã phát biểu như trên tại hội thảo về nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), đưa liêm chính thành trọng tâm hoạt động kinh doanh được tổ chức ở TP HCM ngày 30-7 trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam.

Tăng cường chống tham nhũng

Vấn đề được Thủ tướng Anh nhấn mạnh tại hội thảo là tầm quan trọng của minh bạch và liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam. Tại Singapore, ông từng phát biểu rằng tham nhũng làm tăng 10% chi phí cho DN toàn cầu, làm mất niềm tin của DN và khiến nhà đầu tư không yên tâm ngay từ đầu. Singapore là một trong những nơi ít tham nhũng nhất thế giới. Do đó, hàng loạt DN Anh quốc đã lựa chọn quốc gia này là điểm đến kinh doanh.

“Chúng ta có thể ngăn chặn tham nhũng nếu phối hợp với nhau. Nước Anh đang thúc đẩy liêm chính trong nước và Chính phủ Việt Nam cũng cần hợp tác với đối tác toàn cầu để chống tham nhũng” – Thủ tướng David Cameron cho biết.

Đại diện một công ty luật của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cho rằng có nhiều thách thức với nhà đầu tư nước ngoài, khi xét về sự minh bạch, liêm chính thì, theo các báo cáo, Việt Nam đứng ở vị trí không cao so với thế giới. Về chỉ số liên quan đến minh bạch, liêm chính, Việt Nam cũng không có nhiều cải thiện trong 3 năm qua nên cần thay đổi để trở thành môi trường cạnh tranh, thu hút đầu tư nhiều hơn. DN nước ngoài cũng mong muốn được hoạt động bình đẳng như DN nội địa.

Thủ tướng Anh phát biểu tại hội thảo sáng 30-7 tại TP HCMẢnh: Trần Nguyệt

Thủ tướng Anh phát biểu tại hội thảo

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trên bảng xếp hạng (về minh bạch – PV) đúng là Việt Nam ở mức thấp nhưng đã có tiến bộ. Để cải thiện sự minh bạch, liêm chính thì cần phải làm từ hệ thống pháp luật, nhất là tòa án, trọng tài, giám sát; nâng cao nhận thức cho công chức Chính phủ cũng như khu vực công. Bản thân DN cũng cần hợp tác trong việc chống tham nhũng. Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống tham nhũng, thành lập ban chỉ đạo trung ương về chống tham nhũng. Trong 2 năm 2014 và 2015, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung vào những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng.

“Cuộc chiến chống tham nhũng phức tạp và lâu dài, cần sự hỗ trợ của nhiều bên, trong đó có cả DN. Chính phủ Việt Nam luôn tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để DN phát triển, kể cả DN trong nước và nhà đầu tư nước ngoài” – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng tham nhũng gây ra nhiều thiệt hại trên thế giới, làm mất đến 5% GDP toàn cầu. Những chi phí khu vực tư nhân bỏ ra là do tình trạng tham nhũng gây tăng giá cả, chi phí… Do đó, cần có chuẩn mực và nguyên tắc để phòng chống tham nhũng nhằm đạt mức quản trị tốt, liêm chính trong kinh doanh. Các cá nhân lãnh đạo trong cả khu vực công và tư cần nâng cao nhận thức về phòng chống tham nhũng. Chính phủ và cả lãnh đạo DN cần có hành động cụ thể, phù hợp bởi quá trình chống tham nhũng không chỉ ngày một, ngày hai.

Thúc đẩy thương mại, đầu tư

Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh quốc đạt gần 4,5 tỉ USD trong năm 2014. Trong nửa đầu năm nay, thương mại song phương tiếp tục bứt phá với tổng giá trị trao đổi hàng hóa hơn 2 tỉ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Anh gồm điện thoại di động, dệt may, giày dép, đồ gỗ, máy tính, phụ kiện máy tính, thủy sản…

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm 2015 đến ngày 20-7, Anh là nhà đầu tư lớn thứ 2 vào Việt Nam với 12 dự án được cấp mới, tổng vốn đăng ký trên 1,24 tỉ USD (chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam).

Theo Phòng Thương mại và Đầu tư Anh quốc, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành 1 trong 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong vài thập kỷ tới. Nếu hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sắp tới được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội thương mại và đầu tư hơn nữa cho DN 2 quốc gia.

Bình luận về mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Anh quốc, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư đối với nhiều khách hàng châu Âu của HSBC. Việt Nam đóng vai trò, vị trí quan trọng khi họ muốn xây dựng cơ sở kinh doanh tại ASEAN nhờ nhiều lợi thế, như: sự ổn định chính trị, chi phí nhân công cạnh tranh, thị trường nội địa rộng lớn và những kế hoạch tham vọng của Chính phủ đối với phát triển cơ sở hạ tầng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *