Nên sớm xóa sổ sở hữu chéo của các ngân hàng?

Cùng với việc đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất giữa những ngân hàng (NH) có cùng dáng dấp chủ sở hữu, ngân hàng nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 06/2015/TT-NHNN có hiệu lực vào ngày 15/7 tới, yêu cầu các cổ đông giảm tỷ lệ sở hữu tại các NH xuống dưới giới hạn. Đây sẽ là cơ sở để xóa tình trạng sở hữu chéo trong NH.

Sở hữu chéo giữa các ngân hàng có nên xóa bỏ

Sở hữu chéo giữa các ngân hàng có nên xóa bỏ


Nếu đến ngày 31/12/2015, các cổ đông đang nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn tại NH không giảm được tỷ lệ cổ phần sở hữu vượt giới hạn cho phép thì NHNN sẽ có những biện pháp mạnh.

Chẳng hạn, buộc nhà đầu tư có liên quan hoặc đại diện của nhà đầu tư phải rút lui khỏi hội đồng quản trị hoặc vị trí điều hành, không được phép nhận cổ tức bằng tiền đối với phần cổ phần vượt giới hạn cho phép.

Đồng thời, áp dụng phương án tái cơ cấu bắt buộc: các NH có cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần cao hơn giới hạn cho phép sẽ phải đưa ra lộ trình giảm xuống dưới giới hạn cho phép. Trừ một số trường hợp ngoại lệ được Thủ tướng chính phủ hay NHNN phê duyệt.

Cũng theo nội dung của Thông tư 06, trong thời gian chuyển đổi từ ngày 15/7 đến 31/12/2015, cổ đông và bên liên quan sở hữu tỷ lệ cổ phần cao hơn giới hạn cho phép không được phép tiếp tục nâng tỷ lệ cổ phần sở hữu, ngoại trừ trường hợp: nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ phiếu phát hành để trả cổ tức, mua thêm cổ phần thông qua chào bán ra công chúng nhưng tổng số cổ phần sau khi phát hành phải thấp hơn giới hạn cho phép.

Đồng thời, các NH không được phép cho vay các cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần cao hơn giới hạn cho phép kể từ ngày 15/7.

Theo quy định, giới hạn sở hữu cho phép là 5% đối với cá nhân, 15% đối với tổ chức và tối đa là 20% đối với tổ chức cộng các bên liên quan. Nhưng hiện trên thị trường vẫn còn một số cổ đông nắm tỷ lệ cổ phần vượt rào.

Ngoại trừ Agribank, cả ba ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước còn lại đã thực hiện cổ phần hóa với tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước chiếm ưu thế.

Các NHTM nhà nước chỉ sở hữu một số NHTM cổ phần hoặc NH liên doanh và một số NHTM nhà nước được sở hữu bởi các NH nước ngoài.

Hơn thế nữa, việc Vietcombank sở hữu Eximbank là do vào cuối thập niên 1990 và đầu 2000, Vietcombank được Chính phủ chỉ định tiếp quản Eximbank khi NH này gặp khó khăn tài chính.

Hay nói cách khác, NHTM nhà nước không có nhiều động cơ sở hữu các NHTM cổ phần. Tuy nhiên, ngoài Eximbank, hiện Vietcombank còn nắm giữ tỷ lệ ở một số NH khác, trong đó có Saigonbank…

Hình thức sở hữu chéo thứ 2 là việc doanh nghiệp nhà nước góp vốn vào các NHTM cổ phần.

Trong đó, Tập đoàn EVN nắm 16% cổ phần ABBank, PVN nắm 52% cổ phần PVcomBank. Hay một số cá nhân cùng gia đình có tỷ lệ cổ phần nắm giữ vượt trần giữa 2 ngân hàng. Cụ thể, ông Trầm Bê và gia đình sở hữu 20,8% cổ phần SouthernBank và trên 6% tại Sacombank.

Sở hữu chéo được xem là một vấn đề nan giải của hệ thống NH, vừa là một thách thức trong quá trình tái cơ cấu hệ thống NH trước sự lũng đoạn của nhóm lợi ích có thể gây ra những hệ lụy vô cùng nguy hiểm cho cả hệ thống và nền kinh tế.

Mặt tiêu cực của nó rất lớn, nên cần phải tập trung giải quyết và loại bỏ để đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế.

Để giải quyết tình trạng sở hữu chéo, NHNN đã ban hành Thông tư 36. Vì thế, thị trường đã đang và sẽ xảy ra làn sóng chuyển nhượng cổ phần của các NH.

Với quy định trên, lộ trình thoái vốn về đúng tỷ lệ cho phép sẽ diễn ra mạnh mẽ đến cuối năm nay cùng với quá trình M&A, tình trạng sở hữu chéo phải được xóa bỏ.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 5 trong số 33 NHTM vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu trong khi 8 NH có tỷ lệ sở hữu của cổ đông và bên liên quan cao hơn 20%.

Trong khi cổ đông của NH lớn dễ dàng tìm được người mua khi giá cổ phiếu trên thị trường có dấu hiệu tăng, nhưng NH nhỏ sẽ rất khó. Đặc biệt là khi nợ xấu của các NH nhỏ gia tăng, còn cổ phiếu giảm mạnh.

Do đó, theo TS. Ngô Minh Châu, giảng viên tài chính – ngân hàng, nên tiếp nhận các nhà đầu tư mới, nhất là các nhà đầu tư ngoại trong quá trình tái cấu trúc hệ thống NH và cần thiết nên mở “room” từ 30% lên 50% hoặc cao hơn như một số nước trên thế giới.

Mặt khác, NHNN cần phải có những quy định khá chặt chẽ trong việc tăng vốn điều lệ NH, sở hữu cổ phần, cổ phiếu.

Trong đó, tăng cường tính tuân thủ trong quá trình thực hiện cũng như chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong hoạt động, nhất là việc chấp hành pháp luật cũng như các quy định của Chính phủ và các bộ, ngành và phải có sự hoạt động có hiệu quả của các cơ quan giám sát tài chính quốc gia để minh bạch hóa cũng như phát hiện những sai trái hoặc kịp thời ngăn chặn việc tái diễn các trường hợp sở hữu chéo mới phát sinh.

Đồng thời, NHNN cần mạnh dạn và quyết tâm loại trừ các “lợi ích nhóm”, “sân sau” gây ra tiêu cực và nguy hiểm cho cả hệ thống và nền kinh tế.

Bởi sở hữu chéo tạo ra vốn ảo và là tác nhân tạo ra cuộc đua lãi suất vô cùng lộn xộn trong thời gian vừa qua khi lượng tiền không vào kinh doanh, sản xuất mà chạy lòng vòng từ NH nay sang NH khác.

Nhiều NH được rất nhiều công ty gia đình sở hữu, tạo thành mối sở hữu chằng chịt. Các doanh nghiệp này là những “sân sau”, dùng tiền ảo rút vốn thật để thâu tóm, chiếm đoạt NH khác hoặc kinh doanh bất động sản.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *