Nguyên tắc cơ bản cần biết về chứng khoán

1. Giao dịch chứng khoán?

Giao dịch chứng khoán là việc các nhà đầu tư mua – bán chứng khoán trên thị trường giao dịch tập trung.

Nguyên tắc cơ bản cần biết trong thị trường chứng khoán

Nguyên tắc cơ bản cần biết trong thị trường chứng khoán

2. Lệnh giao dịch?

Lệnh giao dịch là lệnh mua hoặc lệnh bán chứng khoán của người đầu tư yêu cầu công ty chứng khoán thực hiện giao dịch cho họ.

Tại TTGDCK TPHCM có 4 loại lệnh: lệnh giới hạn, lệnh ATO, lệnh ATC, lệnh huỷ.

3. Lệnh giới hạn?

Lệnh giới hạn là lệnh mua hoặc lệnh bán chứng khoán tại một mức giá xác định hoặc tốt hơn.

VD:  Nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch: Bán 1.000 Cổ phiếu REE với giá 150.000đồng/CP. Nhà môi giới chứng khoán phải thực hiện việc bán 1.000 cổ phiếu REE cho khách hàng tại SGDCK TPHCM với giá tối thiểu là 150.000 đồng/CP.

4. Lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO)

Lệnh ATO là lệnh đặt mua hoặc đặt bán chứng khoán tại mức giá mở cửa. Lệnh ATO được ưu tiên trước lệnh giới hạn khi so khớp lệnh.

5. Lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC)

Lệnh ATC là lệnh đặt mua hoặc đặt bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa. Lệnh ATC được ưu tiên trước lệnh giới hạn khi so khớp lệnh.

6. Lệnh huỷ

Lệnh huỷ là lệnh được phép huỷ toàn bộ hoặc phần còn lại của lệnh chưa được thực hiện tại lần khớp lệnh trước đó trong các đợt khớp lệnh sau đó.

7. Lệnh thị trường (MP)

Lệnh thị trường là lệnh mua chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất hoặc lệnh bán chứng khoán tại mức giá mua cao nhất hiện có trên thị trường.

8. Khớp lệnh định kỳ?

Khớp lệnh định kỳ là phương thức giao dịch được hệ thống giao dịch thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán của khách hàng tại một thời điểm xác định.

9. Khớp lệnh liên tục?

Khớp lệnh liên tục là phương thức giao dịch được hệ thống giao dịch thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch.

Tính đến thời điểm ngày 30.07.2007, SGDCK TP.HCM thực hiện phương thức khớp lệnh định kỳ và phương thức khớp lệnh liên tục.

10. Phương thức thoả thuận?

Phương thức thoả thuận là phương thức giao dịch trong đó các thành viên tự thoả thuận với nhau về các điều kiện giao dịch của thành viên nhập thông tin vào hệ thống giao dịch để ghi nhận.

11. Mệnh giá?

Mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chào bán lần đầu ra công chúng là 10.000 đồng (mười nghìn đồng Việt Nam).

Mệnh giá của trái phiếu chào bán ra công chúng là 100.000 đồng (một trăm nghìn đồng Việt Nam) và bội số của 100.000 đồng.

12. Thị giá?

Thị giá là giá thị trường của các loại chứng khoán được mua – bán trên thị trường giao dịch tập trung.

VD: Mệnh giá của cổ phiếu BMC là 10.000 đồng, nhưng giá thị trường hiện tại của cổ phiếu BMC vào thời điểm ngày 17.07.2007 là 419.000đồng/CP.

13. Giá niêm yết?

Giá niêm yết là mức giá của chứng khoán được thực hiện trong phiên giao dịch đầu tiên khi lên niêm yết trên thị trường chứng khoán và được hình thành dựa trên quan hệ cung – cầu trên thị trường.

VD: Cổ phiếu BMC khi lên niêm yết trên thị trường giao dịch tập trung, giá niêm yết được xác định là 50.000 đồng/CP.

14. Giá khớp lệnh?

Giá khớp lệnh là mức giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh của Trung tâm giao dịch chứng khoán, thoả mãn được nhu cầu của người mua và người bán và áp dụng cho tất cả các lệnh được thực hiện.

VD: Trong phiên giao dịch ngày 17.07.2007, giá khớp lệnh của cổ phiếu BMC đạt ở mức giá 419.000đồng/CP. Tất cả những ai có lệnh mua hoặc lệnh bán được khớp sẽ được mua và bán CP BMC với giá 419.000đồng/CP.

15. Giá đóng cửa?

Giá đóng cửa là giá thực hiện tại lần khớp lệnh cuối cùng trong ngày giao dịch. Trong trường hợp không có giá thực hiện trong ngày giao dịch, giá đóng cửa được xác định là giá đóng của của ngày giao dịch gần nhất trước đó.

16. Giá mở cửa?

Giá mở cửa là giá thực hiện tại lần khớp lệnh đầu tiên của chứng khoán trong ngày giao dịch.

17. Giá tham chiếu?

Giá tham chiếu là mức giá làm cơ sở cho việc tính giới hạn dao động giá chứng khoán trong phiên giao dịch.

Tại thị trường giao dich tập trung hiện tại ở Việt Nam thì giá tham chiếu của một cổ phiếu trong phiên giao dịch là giá đóng cửa của cổ phiếu đó trong phiên giao dịch hôm trước.

VD: Giá tham chiếu của cổ phiếu BMC vào ngày 18.07.2007 là mức giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày 17.07.2007 là 419.000đồng/CP.

18. Biên độ dao động giá?

Biên độ dao động giá là giới hạn dao động giá chứng khoán quy định trong ngày giao dịch được tính theo tỷ lệ phần trăm so với giá tham chiếu.

Theo quy định hiện hành, biên độ dao động tại SGDCK TPHCM là +/- 5%, tại TTGDCK Hà Nội là +/- 10%

VD: Giá tham chiếu của cổ phiếu BMC ngày 17.07.2007 là 419.000 đồng/CP, biên độ dao động giá theo quy định hiện hành đối với tất cả các loại cổ phiếu tại SGDCK TPHCM là +/- 5% tức là giá của cổ phiếu BMC thực hiện trong phiên giao dịch chỉ được phép dao động trong khoảng +/- 5% so với giá 419.000 đồng.

19. Giá trần ?

Giá trần là mức giá cao nhất mà một loại chứng khoán có thể được thực hiện trong phiên giao dịch.

Giá trần    =    Giá tham chiếu    +    (Giá tham chiếu    x    Biên độ dao động giá)

20. Giá sàn?

Giá sàn là mức giá thấp nhất mà một loại chứng khoán có thể được thực hiện trong phiên giao dịch.

Giá sàn   =    Giá tham chiếu    –    (Giá tham chiếu   x    Biên độ dao động giá)

21.  Đơn vị giao dịch?

Đơn vị giao dịch là số lượng chứng khoán nhỏ nhất có thể được khớp lệnh tại hệ thống.

Đơn vị giao dịch tại SGDCK TPHCM: 1 lô =  10 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.

Đơn vị giao dịch tại TTGDCK Hà Nội: 1 lô = 100 cổ phiếu

22. Các loại giao dịch

Quy định tại SGDCK TPHCM:

  • Giao dịch lô lẻ: áp dụng đối với các giao dịch có số lượng từ 1 đến 9 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ
  • Giao dịch lô chẵn: áp dụng đối với các giao dịch có số lượng từ 10 đến 19.990 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.
  • Giao dịch thoả thuận: áp dụng đối với các giao dịch có số lượng từ 20.000 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trở lên.

Quy định tại TTGDCK Hà Nội:

  • Giao dịch lô lẻ: áp dụng đối với các giao dịch có số lượng từ 1 đến 99 cổ phiếu.
  • Giao dịch lô chẵn: áp dụng đối với các giao dịch có số lượng trên 100 cổ phiếu.
  • Giao dịch thoả thuận: áp dụng đối với các giao dịch có số lượng từ 5.000 cổ phiếu trở lên.

23. Đơn vị yết giá?

Đơn vị yết giá là đơn vị tiền tệ nhỏ nhất mà giá chứng khoán có thể thay đổi.

Quy định về đơn vị yết giá tại SGDCK TPHCM:

Mức giá Cổ phiếu Trái phiếu
Giá ≤ 49.900 đ 100 đ 100 đ
Giá từ 50.000 đ đến 99.500 đ 500 đ 100 đ
Giá ≥ 100.000 đ 1.000 đ 100 đ

Tại TTGDCK Hà Nội không quy định về đơn vị yết giá.

24. Ngày thanh toán ?

Ngày thanh toán theo quy định của Trung tâm giao dịch chứng khoán là ngày T + 3, tức là 03 ngày làm việc sau ngày lệnh được thực hiện (không kể ngày Lễ, ngày nghỉ) có nghĩa:

  • Khi lệnh mua chứng khoán được thực hiện, sau 03 ngày chứng khoán mới được chuyển về tài khoản của khách hàng. Khi chứng khoán về tới tài khoản thì bạn mới có các quyền đối với số chứng khoán đó.
  • Khi lệnh bán chứng khoán được thực hiện, sau 03 ngày tiền bán chứng khoán sau mới được chuyển về tài khoản của khách hàng.

25. Ngày giao dịch hưởng quyền?

Ngày giao dịch hưởng quyền là ngày mà nhà đầu tư mua cổ phiếu trên thị trường sẽ được hưởng quyền nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng, cổ phiếu phát hành thêm của công ty phát hành.

26. Ngày giao dịch không hưởng quyền?

Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày mà nhà đầu tư mua cổ phiếu trên thị trường sẽ không được hưởng quyền nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng, cổ phiếu phát hành thêm của công ty phát hành.

27. Ngày đăng ký cuối cùng

Ngày đăng ký cuối cùng là ngày mà các nhà đầu tư có tên trong danh sách sở hữu chứng khoán sẽ được quyền nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng, cổ phiếu phát hành thêm của công ty phát hành.

28. Ngày thực hiện quyền

Ngày thực hiện quyền là ngày công ty phát hành sẽ tiến hành thực hiện chính thức quyền nhận tiền hoặc cổ phiếu của các nhà đầu tư có tên trong danh sách sở hữu chứng khoán được quyền nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng, cổ phiếu phát hành thêm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *