Những biến động sôi nổi trước giờ giao dịch

Ngưỡng 600 điểm đang hỗ trợ khá tốt cho VNIndex. Phiên qua, chỉ số mặc dù đã có lúc thủng ngưỡng này xuống 597,8 điểm nhưng kết phiên đã lấy lại được sắc xanh. VNIndex đóng cửa ở mức 603,76 điểm, tăng 2,72 điểm tương đương 0,45% trong khi HNIndex tăng 0,09 điểm lên 83,88 điểm. VNM trong những phiên gần đây luôn là cổ phiếu nâng đỡ chỉ số tốt nhất khi phiên qua lại tăng 3 điểm. Tuy nhiên thanh khoản hai sàn lại giảm mạnh khi chỉ có 86,25 triệu cổ phiếu giao dịch trên HSX và 40,6 triệu cổ trên HNX.

Khối ngoại mua vào hơn 6,3 triệu cổ phiếu, trị giá trên 196 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 4 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 139,5 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt hơn 2 triệu cổ phiếu, với giá trị mua ròng gần 56,5 tỷ đồng. Mặc dù các giao dịch khối ngoại cho thấy mức sụt giảm lớn về khối lượng, khối này vẫn mua ròng tập trung vào một số mã được ưa thích trong vài ngày qua, như SSI (không đổi), KDC (không đổi), NT2 (+2,3%) và HPG (+2,7%).

Như vậy, kết thúc 1 tuần giao dịch nhiều biến động, VNIndex đã mất 17,30 điểm (2,79%) và HNIndex cũng giảm 1,25 điểm (1,47%) so với tuần trước. Khối lượng giao dịch bình quân một phiên trong tuần này cũng giảm 10,56% so với tuần trước.

Liên quan đến hai chỉ số VNM ETF và FTSE ETF, theo thống kê của CTCK Rồng Việt, giá của chứng chỉ quỹ (CCQ) FTSE vẫn thặng dư so với NAV trong khi giá CCQ VNM bị chiết khấu so với NAV ở 04 phiên trong tuần. Số lượng CCQ của VNM giảm từ 29,55 triệu ccq xuống 29,45 triệu ccq kể từ ngày thứ sáu (31/07/2015).

Trong danh mục của VNM ETF, VCB, MSN và BVH chiếm tỷ trọng khá cao, lần lượt là 8,24%, 7,31% và 6,12%. Với việc số lượng chứng chỉ quỹ VNM ETF giảm và 3 mã cổ phiếu này bị bán ròng mạnh trong tuần, VDSC cho rằng một phần đến từ hoạt động của VNM ETF.

Bên cạnh đó, mức discount của VNM ETF đã tăng lên -1,07% trong khi mức premium của FTSE giảm dần từ 1,96% còn 0,69% sau phiên giao dịch ngày 6/8.

“Với xu hướng này, chúng tôi cho rằng sẽ khó có thêm tiền từ hai quỹ này đổ vào thị trường, ít nhất là trong những phiên giao dịch tuần sau.”- VDSC nhận xét.

Cổ phiếu đáng chú ý

PXS: CTCP kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí – Ngày 24/8 sẽ chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2015 bằng tiền tỷ lệ 10%. Thời gian thực hiện 9/9/2015. Đồng thời, PXS chào bán 5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 10:1. Giá chào bán ra công chúng 12.703 đồng /cổ phiếu. Cũng đợt này, Công ty cũng dự kiến phát hành 5 triệu cổ phiếu thưởng mệnh giá 10.000 đồng/ cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:1.

FPT: Công ty Cổ phần FPT – Thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 21/08/2015 để tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2015 bằng tiền. Tỷ lệ thực hiện: 10%/cổ phiếu (01 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng) (áp dụng cho cả cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi nhân viên). Thời gian thực hiện: 09/09/2015

JVC: CTCP Y tế Việt Nhật – Ông Kyohei Hosono chính thức từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT. Ông Lê Văn Giáp được bổ nhiệm thay thế cho vị trí trên. Đồng thời, ông Phạm Văn Thanh cũng miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT từ ngày 6/8/2015. Bên cạnh đó, đợt này HĐQT công ty cũng đã thông qua việc bổ nhiệm bà Đỗ Thị Ngọc Hoa làm Phó Giám đốc phụ trách dự án và mua hàng.

LAF: CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An – Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), cổ đông lớn đã bán xong toàn bộ 2.163.180 cổ phiếu LAF. Sau giao dịch, tổ chức này nắm giữ 0 cổ phiếu LAF và không còn là cổ đông lớn của Công ty từ ngày 5/8.

SHI: CTCP Quốc tế Sơn Hà – VIETNAM HOLDING LIMITED đã mua 2.501.454 cổ phiếu. Qua đó, tổ chức này nâng sở hữu tại SHI từ 0 cổ phiếu lên 2.501.454 cổ phiếu, tỷ lệ 6,95% và chính thức trở thành cổ đông lớn của Công ty từ ngày 5/8.

Tin kinh tế đáng chú ý

Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong tháng 7/2015, đã có 40 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mở tài khoản giao dịch chứng khoán mới tại Việt Nam. Đây là con số cao nhất kể từ đầu năm 2010, chiếm tới 29% tổng số mã giao dịch chứng khoán được cấp cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trong 7 tháng đầu năm.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến về Nới room, ông Nguyễn Thành Long- Phó chủ tịch UBCKNN cho biết: “Nghị định có hiệu lực từ 1/9 hiện đã hoàn thiện tất cả văn bản thông tư hướng dẫn theo chỉ đạo quyết liệt từ Bộ tài chính”. Trong thứ 5 tuần tới, UBCKNN sẽ tổ chức một buổi hội thảo để cung cấp cho NĐT thông tin về một trong những dự thảo cụ thể hơn về quy định nới room cho NĐTNN.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu Singapore nhân chuyến thăm chính thức nước này. Các nhà đầu tư Singapore bày tỏ quan tâm đến các lĩnh bất động sản, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ Logistic, dịch vụ tài chính, năng lượng, phát triển hệ thống các khu công nghiệp, vận tải biển, xây dựng cơ sở hạ tầng,…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *