Những cao ốc ở văn phòng bị thâu tóm

Nhiều động lực để thâu tóm cao ốc văn phòng

Năm 2014 là một năm khó khăn và khá trầm lắng của thị trường văn phòng cho thuê. Tuy nhiên bước sang năm 2015, thị trường văn phòng đã có nhiều khởi sắc.

Những tín hiệu tích cực của thị trường văn phòng cùng triển vọng tăng trưởng khá nóng của thị trường BĐS nói chung có thể được coi là động lực cho làn sóng chuyển nhượng các cao ốc văn phòng hạng sang ở Việt Nam.

Thêm vào đó, việc gia tăng FDI vào Việt Nam kéo theo làn sóng nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào Việt Nam đầu tư xây dựng, dự báo phân khúc văn phòng sẽ không ngừng tăng trong tương lai.

Bên cạnh đó, các chính sách về đất đai cộng với việc khung giá đất tăng cao là điểm mới khiến nhà đầu tư chọn việc mua lại dự án thay vì xin cấp phép xây dự án mới.

Xét trên thực tế, nhu cầu thuê văn phòng đã có nhiều khởi sắc tại 2 TP. HCM và thủ đô Hà Nội.

Theo CBRE, trong quý I/2015, thị trường văn phòng Hà Nội vẫn ghi nhận mức cầu khá mạnh mẽ, với tỷ lệ hấp thụ trên 40.000 m2, chủ yếu đến từ các doanh nghiệp nội.

Tỷ lệ trống trên toàn thị trường đã giảm xuống xấp xỉ 20% trong quý, từ 25% trong quý trước. Giá chào thuê tại khu vực trung tâm tăng nhẹ so với quý trước 0,2% đối với Hạng A và 2,6% đối với Hạng B.

Tại TP. HCM, công suất thuê văn phòng trung bình đạt 91%, đây là con số cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Theo Savills, tính đến quý I/2015, thị trường văn phòng Tp.HCM có khoảng 1.470.000m2 từ 223 dự án, tăng 1% theo quý và 4% theo năm. Tổng lượng tiêu thụ văn phòng trong quý 1/2015 là hơn 24.100m2, tăng 46% theo quý.

Nhận định về thị trường văn phòng cho thuê, bà Dương Thuỳ Dung, Phó Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn CBRE cho rằng, thị trường văn phòng trong tại cả Hà Nội và TP. HCM đều có những khởi sắc.

Tại thị trường Hà Nội, mặt bằng trống tại thị trường đã giảm từ 40 – 50% từ giai đoạn trước xuống còn 20%. Đây là thức sự là một tín hiệu tốt đối với thị trường văn phòng, chứng tỏ khả năng hấp thụ của thị trường đã tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tại TP.HCM, tỷ lệ trống cũng giảm xuống còn 8% trong khi đó nguồn cung cũng đang có xu hướng giảm.

Làn sóng đổi chủ của các cao ốc văn phòng

Những tháng đầu năm 2015, thị trường bất động sản chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám trong phân khúc văn phòng, trung tâm thương mại.

Vừa qua, giới kinh doanh bất động sản Hà Nội đã bất ngờ khi Gaw Capital Partners thông báo chi hơn 106 triệu USD để sở hữu tòa tháp đôi Indochina Plaza Hà Nội cùng 3 dự án khác của Indochina Land.

Cụ thể, Indochina Land đã chính thức “sang tên” 4 bất động sản gồm Tòa tháp đôi Indochina Plaza Hà Nội (Q.Cầu Giấy), Hyatt Regency Danang (Đà Nẵng) và 2 dự án đang phát triển khác tại Quảng Nam và TP.HCM cho Gaw Capital Partners

Quỹ đầu tư Gaw Capital Partners là một công ty bất động sản tư nhân quốc tế có trụ sở tại Hồng Kông, quản lý danh mục tài sản lên tới 9 tỷ USD.

Thương vụ này đánh dấu một bước đi quan trọng của Gaw Capital Partners nhằm tăng cường sự hiện diện của Gaw Capital Partners tại Việt Nam. Trước đó, Gaw Capital Partners đã tham gia đầu tư vào một dự án phát triển khu hỗn hợp, Empire City, tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Lotte Hàn Quốc cũng cho biết đã mua lại đến 70% tòa nhà Diamond Plaza.

Diamond Plaza là tòa cao ốc gồm 22 tầng được khánh thành vào 2000 với vốn đầu tư 60 triệu USD. Đây là một tổ hợp thương xá, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp có vị trí đắc địa bậc nhất TPHCM, tọa lạc ngay khu trung tâm sau nhà thờ Đức Bà.

Làn sóng đổi chủ các cao ốc văn phòng tiếp tục được thổi bùng lên khi “người khổng lồ” Keangnam cũng đang rao bán tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark 72 (Hà Nội) với giá gần 800 triệu USD.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *