Những suy nghĩ độc đáo của Bill Gates để dẫn đến sự phát triển của Microsoft

Trong một email năm 1990, Bill Gates từng đặt câu hỏi: “Khi máy móc có thể làm việc nhanh hơn con người thì làm cách nào chúng ta có thể giữ được giá trị của mình?”

Bruce Ryan, cựu giám đốc sản phẩm và cũng là người nhận email đó tiết lộ rằng nỗi lo sợ của Gates khi ấy không phải là vì trí thông minh nhân tạo hay các robot công nghiệp mà là vì số điểm cao ngất mà Gates từng đạt được ở trò Minesweeper (Gỡ bom) đình đám hồi ấy của Windows đã bị lật đổ bởi… một chương trình máy tính.

Và đây là câu chuyện khá thú vị về gói trò chơi từng được xem là biểu tượng một thời của Windows cũng như những chi tiết có thể khiến độc giả “cười ha hả” về cơn nghiện Minesweeper của người giàu nhất thế giới này.

bill gates và nhung suy nghi doc dao

Quả bom hẹn giờ

Gói giải trí của Windows ra đời là vì đội ngũ kinh doanh của Microsoft khi ấy lo ngại rằng những yêu cầu về phần cứng quá cao để chạy được hệ điều hành này khiến cho mọi người nghĩ rằng nó chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp lớn.

Lúc đó Microsoft hầu như không hề có ngân sách dành cho dự án giải trí này, và cũng không có nhà sản xuất game nào nghĩ rằng Windows sẽ là một nền tảng thật sự dành cho họ. “Chẳng có công ty game nào quan tâm cả,” Ryan nhớ lại.

Vì thế Ryan bèn cho tập hợp lại những game mà các thành viên trong đội ngũ phát triển Windows đã viết khi họ rảnh rỗi, gồm có IdleWild (screensaver đầu tiên trên Windows), Solitaire (trò sắp xếp các lá bài), Tetris (trò xếp gạch), và Minesweeper (do Curt Johnson và Robert Donner phát triển).

Chuẩn bị cho sự bùng nổ

Ngay từ đầu đội ngũ kinh doanh của Microsoft đã biết rằng Minesweeper là một cái gì đó rất đặc biệt. “Rất nhanh chóng, tất cả chúng tôi đều thích nó,” Ryan cho biết.

Sau đó, chính Ryan là người viết phần hướng dẫn cho gói giải trí, dài hơn hai trang, và họ mang nó đến tiệm photo để in ra 20.000 bản. “Tôi có lẽ là vị giám đốc sản phẩm duy nhất trong lịch sử của Microsoft tự in ra bản hướng dẫn của mình,” ông đùa.

Trong khi đó, trò Tetris được dự định sẽ ở vị trí “đinh” của gói giải trí. Tuy nhiên, những cuộc thương thảo về bản quyền với Spectrum HoloByte, người giữ bản quyền của trò này, đã không đạt được kết quả mong muốn, khiến chẳng có gì đảm bảo cho họ về mặt pháp lý.

Thế là đội ngũ của Ryan đành phải có hai chọn lựa cho khách hàng: mua hoặc không mua Tetris cùng với Windows, và chiến dịch marketing cho gói giải trí này sau đó tràn ngập những slogan mang tính “mời gọi” như: “Bạn sẽ không còn phải chịu những giờ giải lao nhàm chán nữa”, “Bạn chỉ có vài phút giữa các cuộc họp ư? Hãy giải trí bằng trò Klotski (trò xếp các khối gạch)”, nhắm vào lượng người dùng chính khi đó của Microsoft là giới doanh nhân.

Nổ tung

Vào thời gian đó, Microsoft thậm chí không có cả ngân sách cho việc kiểm thử chất lượng gói giải trí này. Nhưng mọi người đùa rằng Minesweeper là sản phẩm được kiểm thử nhiều nhất trong lịch sử Microsoft vì toàn thể công ty đều… nghiện nó.

Bản thân Ryan cũng lập được một kỉ lục 6 giây (ở cấp độ cho người mới chơi). Thế là ông gửi đi một email cho cả công ty “thách” mọi người phá vỡ kỉ lục của mình.

Và người duy nhất có câu trả lời là… Bill Gates, với kỉ lục 5 giây.

“Nhưng phần khiến mọi người buồn cười nhất lại là trước đó Gates đã gỡ bỏ trò này khỏi máy tính của mình vì ông đã tốn quá nhiều thời gian cho nó,” Ryan nhớ lại. Vì thế Gates phải mời Ryan… xem lại điểm của mình trên máy tính trong văn phòng của Michael Hallman, lúc ấy là chủ tịch Microsoft, vì đó chính là nơi mà Gates thường… trốn vào để chơi trò này.

“Nghĩ đến cảnh Bill lỉnh vào văn phòng và chơi ‘ké’ trò này trên máy tính của người khác là khiến tôi bật cười,” Ryan hài hước chia sẻ.

Sau đó, nhóm của Ryan viết một chương trình đơn giản để giải trò chơi này chỉ trong một cú nhấp chuột, khiến cho thời gian kỉ lục xuống chỉ còn… 1 giây. “Chúng tôi gửi cho Bill một email với nội dung là ‘Xin lỗi sếp, thành tích của ông đã bị lu mờ bởi một chương trình máy tính’,” Ryan kể lại. Và đó cũng là nguyên nhân Bill Gates gửi trả lời email như trên, kèm theo thông tin là có lẽ ông sẽ… tiếp tục thử chơi ở cấp độ khó hơn. Ryan nói dù email đó đã bị thất lạc từ lâu nhưng ông không bao giờ quên được nội dung của nó.

Thành công vang dội

Gói giải trí Windows đó của Microsoft là một thành công lớn, trong đó Minesweeper đạt được tiếng vang sớm nhất. Nó được yêu thích đến nỗi đội ngũ Windows sau đó đã đưa nó (mà Ryan đùa rằng nó đã bị “đánh cắp” khỏi nhóm của ông) vào hệ điều hành Windows 3.1 ra mắt vào năm 1992, sánh đôi cùng với trò Solitaire.

Một thời gian sau, có thêm 3 gói giải trí Windows được tung ra, gồm các trò kinh điển như Chip’s Challenge, JezzBall, và SkiFree. Tính đến năm 1992, loạt game trên đã thu được doanh số rất ấn tượng – 500.000 lượt người mua.

Trong những năm đầu khi Internet mới xuất hiện, Minesweeper phổ biến đến nỗi có một website còn treo những giải thưởng tiền mặt cho các cuộc thi online, và khi ấy Ryan có thêm một “nghề tay trái” là… game thủ trò Minesweeper.

Từ đó về sau Minesweeper được đưa vào miễn phí trong mọi phiên bản của Windows cho mãi đến Windows 8. Người dùng Windows 10 hiện cũng có thể tải game này, với chút ít thay đổi tùy theo thiết bị họ dùng.

Dĩ nhiên, chẳng cần phải nói thì cũng thấy các phát hành game đã sai nhường nào khi cho rằng Windows không phải là một nền tảng phù hợp với game. Hiện nay hầu hết các hãng sản xuất game lớn đều có phiên bản cho Windows và hệ điều hành này cũng là lựa chọn hàng đầu của các game thủ.

Ryan rời Microsoft năm 2000 – và cũng là lần thứ hai ông rời tập đoàn này. Hiện ông đang quản lý một quán bar và nhà hàng ở Seattle. Và một tiết lộ nho nhỏ cuối cùng của ông về trò Minesweeper là: nó có “gian lận” chút đỉnh – đó là người chơi sẽ không bao giờ bị “dính” bom ngay từ lần nhấp chuột đầu tiên. Nếu bị như thế thì quả là dễ… “phát cáu” lên được!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *