Những vất vã và rủi ro của nghề thu mua phế liệu

   Vì mưu sinh, những người làm nghề thu mua phế liệu phải nhọc nhằn vất vả sớm hôm, tích góp từng đồng để trang trải cuộc sống. Với đặc trưng vốn đầu tư ít, lại giải quyết được việc làm, giúp nhiều người có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, nhiều người nuôi được con học đại học. Một số người “giỏi nghề”, sau thời gian thu gom phế liệu, có vốn mở cơ sở thu mua, rồi đóng hàng, thuê xe chở về các cơ sở tái chế, kiếm tiền lãi nhiều hơn.
vat-va-thu-mua-phe-lieu1

  Vất vã từng ngày

Có ít đồ dùng không sử dụng, tôi chờ người thu mua phế liệu qua để bán. Nghe ngóng mấy hôm không thấy ai rao “Ai nhôm đồng sắt vụn, bàn là xe đạp hỏng, giấy lộn bán đây” như mọi khi, tôi phải chờ một lúc ngoài cửa mới thấy một phụ nữ dáng người thấp bé, nước da rám nắng đen sạm, chừng hơn 50 tuổi đạp xe đi qua, trên xe có khá nhiều phế liệu được chằng buộc cẩn thận. Tôi bèn gọi bà vào. Hỏi chuyện mới biết, trước đây, những người thu mua phế liệu thường vừa đạp xe vừa rao, nhưng nay, thấy ai có vẻ muốn bán phế liệu hoặc đang dọn dẹp nhà cửa thì họ mời chào.

Vừa lấy giấy lộn ra bán, tôi vừa tìm hiểu về cuộc sống của người phụ nữ này. Ban đầu, bà làm thuê, vất vả mà tiền kiếm được không là bao. Cùng dãy trọ với bà có mấy người ở xuôi, họ kiếm ve chai về bán cho các chủ thu mua phế liệu. Công việc tuy vất vả nhưng có đồng ra đồng vào, đủ trang trải cuộc sống tằn tiện ở đất khách quê người và một phần gửi về quê cho các con ăn học, bà quyết định chuyển sang nghề này. Đến nay, bà đã có thâm niên 15 năm trong nghề. Những đường hẻm, ngõ phố ở Thành phố, bà thuộc như lòng bàn tay. Theo lời của bà, nghề này lắm nỗi gian truân. “Nhiều lúc cũng thấy tủi, vì nhiều người nhìn chúng tôi với ánh mắt e dè, nhất là mấy nhà giàu có, khi bán mấy đồ phế liệu, họ có vẻ kỳ thị, sợ đứng gần chúng tôi… Ngoài mua được của các hộ gia đình thì chúng tôi phải xin phép vào các công ty, xí nghiệp, bệnh viện để thu mua rác thải, hoặc lên bãi rác để nhặt”.

vat-va-thu-mua-phe-lieu2

Không ít lần, bà được một vài nhà tốt bụng gọi vào cho nhiều giấy báo cũ, hoặc chiếc nồi cũ vẫn còn dùng được. Mười lăm năm làm nghề thu mua phế liệu, bà đã tích góp được ít tiền gửi tiết kiệm phòng khi đau ốm, đồng thời gửi về quê nuôi con ăn học. Giờ người con trai lớn làm công nhân ở một nhà máy gần nhà, con gái út lập gia đình, mở cửa hàng buôn bán nhỏ ở quê. Thấy mẹ vất vả, các con muốn mẹ về nghỉ ngơi, sum họp, nhưng bà đã quen việc, lại muốn tranh thủ kiếm thêm ít tiền. Nên hiện giờ, ở tuổi ngoài ngũ tuần, bà vẫn một mình ở trọ để kiếm sống.

Cuối buổi chiều, chiếc xe đạp cũ kỹ của bà đã quá tải. Đó là thành quả sau cả ngày làm việc mệt nhọc mà bà có được. Tôi theo bà tới một điểm thu mua ve chai  để cân hàng. Trong lúc chờ bà, tôi thấy từng tốp người mang “hàng” tới.  Họ vác những cái bao nặng xuống xe, mang vào cân, nhận tiền rồi vội vã đi tiếp. Vừa thoăn thoắt xếp hàng xuống xe, một chị ve chai nọ cho biét: Gia đình tôi chỉ có mấy sào ruộng, những ngày nông nhàn, tôi tranh thủ đi thu mua đồng nát về bán. Nghề phụ nhưng là thu nhập chính của gia đình. Cần mẫn, nhọc nhằn nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Con gái lớn 8 tuổi đã phải phụ giúp bố mẹ việc gia đình, con trai nhỏ 4 tuổi thì gửi sang nhờ bà ngoại trông. Mấy hôm nay tôi thấy mệt trong người, nhưng không dám bỏ làm, bỏ việc ngày nào là mất tiền ngày ấy…

vat-va-thu-mua-phe-lieu3

   Một số hệ lụy

Nghề thu mua phế liệu đã có từ rất lâu và phát triển mạnh trong khoảng chục năm gần đây. Những người thu mua đồng nát ở Thành phố đủ mọi lứa tuổi, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng gia cảnh đều nghèo. Biết tôi muốn tìm hiểu về nghề này,một Chị cho biết: Không sợ ế ẩm như buôn bán, kinh doanh các loại mặt hàng khác, hàng đồng nát cứ đến điểm thu gom bán là có lãi; có hôm lãi vài trăm nghìn nhưng cũng có hôm không được đồng nào. Người làm nghề này gặp không ít rủi ro, không có phương tiện bảo hộ lao động nên dễ mắc các bệnh ngoài da, hô hấp do tiếp xúc với chất độc hại và nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *