“Nỗi niềm” Thông tư 36

Theo như nghị quyết 78/2014/QH13 ngày 10-11-2014 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước 2015 có quy định “từ năm 2015, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ năm năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ”.

Còn Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20-11-2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong đó lần đầu tiên quy định mức tối đa đầu tư TPCP của ngân hàng thương mại nhà nước là 15% trên nguồn vốn ngắn hạn, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài: 35%; chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15% và tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 5%.

Thông tư 36 và Nghị quyết 78 sau gần nửa năm đi vào thị trường đã lái bức tranh trái phiếu qua một gam màu hoàn toàn đối nghịch. Khối lượng tiền huy động cho ngân sách từ nguồn TPCP tính đến nay bị co hẹp gần hai phần ba so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh tiến độ chi ngân sách và mức thâm hụt vẫn như năm ngoái.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đang thiếu thanh khoản cục bộ và hầu hết đều đang cần tiền để đổ vào tín dụng, thị trường liên ngân hàng ảm đạm và vắng đi nhiều khuôn mặt, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh và kế hoạch cổ phần hóa tham vọng của Chính phủ cũng đang bị de dọa thất bại bởi các nút thắt mà hai văn bản trên tạo ra.

“NHNN chỉ nên can thiệp vào sự rủi ro và tính an toàn hệ thống chứ không nên can thiệp quá sâu vào tính thương mại của ngân hàng”.

Đó là lý do nhiều ý kiến bức xúc của đại diện các tổ chức, ngân hàng và những người quan tâm đến thị trường hiện nay, mong đợi cơ quan quản lý sẽ sửa chữa Thông tư 36 và Nghị quyết 78 càng sớm càng tốt.

Trong một văn bản khác kiến nghị lên Bộ Tài chính, NHNN vào đầu năm, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, Nghị quyết 78 và Thông tư 36 sau khi ban hành đã ngay lập tức tác động đến thị trường TPCP Việt Nam theo chiều hướng tiêu cực. Chi phí huy động vốn cho ngân sách đã tăng cao lên trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục phục hồi khá ổn định. “VBMA chưa thấy có tiền lệ ở thị trường quốc tế về việc quy định giới hạn đầu tư TPCP của các ngân hàng cũng như quy định về kỳ hạn phát hành trái phiếu”, VBMA kiến nghị – “Chúng tôi cho rằng Nghị quyết 78 và Thông tư 36 với mức trần đặt ra đã hạn chế khả năng tham gia đầu tư TPCP của các ngân hàng thương mại, vốn là nhóm nhà đầu tư chủ lực sẽ tác động đến khả năng thu hút các nhóm nhà đầu tư khác tham gia thị trường trái phiếu. Đặc biệt là hạn chế đầu tư từ các tổ chức tài chính nước ngoài, là đối tượng có vai trò cầu nối thu hút, phục vụ các loại hình nhà đầu tư nước ngoài khác nhau tham gia đầu tư vào thị trường trái phiếu Việt Nam”.

“Năm nay thâm hụt vẫn cao, tiêu nhiều hơn kiếm ra, thanh khoản ngân hàng bị bấu víu nhiều hơn nên nếu không điều chỉnh lại các nút thắt này, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, giá cổ phần của doanh nghiệp nhà nước và tiền thu từ cổ phần hóa chắc chắn bị ảnh hưởng nặng nề”, một vị lãnh đạo tổ chức tham gia thị trường nhiều năm chia sẻ với TBKTSG. “Thông tư 36 thực sự ảnh hưởng mạnh và trực tiếp lên thanh khoản của các ngân hàng. Nó chặn dòng tiền mạnh nhất đổ vào TPCP là dòng tiền của nước ngoài (các ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tài chính nước ngoài) trong khi ngân sách thực sự cần tiền. Tiền của các tổ chức nước ngoài thông qua các quỹ, các ngân hàng nước ngoài bị chặn đường vào Việt Nam sẽ vòng qua nước khác. Các ngân hàng trong nước, đặc biệt với các ngân hàng trung bình và nhỏ, mua TPCP ngoài việc kiếm lợi còn để bảo vệ thanh khoản (trái phiếu là tài sản dự trữ thành khoản thứ cấp). Cơ quan quản lý vì không muốn ngân hàng dùng tiền gửi ngắn hạn của người dân và mong muốn lành mạnh hóa ngân hàng trong dài hạn song có lẽ vì cho thuốc quá liều mà Nghị quyết 78 và Thông tư 36 ngay lập tức đem lại tác động kép trói tay ngân hàng”, vị này phân tích.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *