Phát triển nông thôn thiết kế những dự án đầu tư vào nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết kế những dự án đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả cho cả DN và nông dân; cung cấp dịch vụ công để hỗ trợ DN…

Không chỉ các đại gia trong nước như HAGL, Vingroup, Viettel, Vinamilk… mà nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài gần đây cũng đầu tư mạnh vào nông nghiệp (NN) công nghệ cao tại Việt Nam, đặc biệt là các DN Nhật Bản.

Vậy phải làm gì để khuyến khích các đại gia, DN tiếp tục mạnh tay rót vốn đầu tư vào lĩnh vực này? Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với GS-TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, về vấn đề này

Sạch từ trang trại đến bàn ăn

Gần đây, nhiều đại gia đã đổ hàng tỉ USD vào NN công nghệ cao và xu hướng này đang tăng lên. Ông bình luận gì về xu hướng mới này?

Tôi được biết riêng năm 2014, có đại gia đã đầu tư 18.000 tỉ đồng vào NN công nghệ cao và bước đầu thu được thành công. Nhiều đại gia khác cũng rót hàng ngàn tỉ đồng trồng rau sạch, nuôi bò, cao su, mía, sản xuất thức ăn chăn nuôi… và bắt tay hợp tác với nông dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn.

Tôi cho rằng điều này xuất phát từ tín hiệu thị trường và họ đang “đánh cược” thực sự vào NN bằng tâm huyết và số tiền đầu tư rất lớn. Điều này cũng cho thấy nhận thức về NN và nông thôn đã thay đổi. Người ta không nhìn an ninh lương thực chỉ là đủ lương thực mà còn là vấn đề tiếp cận được lương thực, thực phẩm chất lượng cao, an toàn, sạch, dinh dưỡng cao. Mà để sản xuất được những sản phẩm như vậy thì chỉ có công nghệ cao, hiện đại và khâu tổ chức bài bản mới làm nổi.

Nhưng thực tế đã chứng minh làm NN rủi ro cao, thưa ông?

Tôi cho rằng sau khi có những cú lên xuống ảo của thị trường tài chính, bất động sản… bây giờ các đại gia, DN đã cẩn trọng hơn trong việc sử dụng nguồn vốn vào đâu cho hiệu quả. Đồng thời, DN muốn đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh để phân tán rủi ro. Trong đó, NN là một trong lĩnh vực mà nhiều đại gia đang đầu tư và cân nhắc đầu tư.

Với nhà đầu tư nước ngoài, họ đầu tư vào toàn bộ chuỗi giá trị NN, từ đồng ruộng đến bảo quản, chế biến, phân phối (ví dụ như ngành thức ăn chăn nuôi). Bởi thực tế sản phẩm NN hoàn toàn có thể tạo ra giá trị gia tăng cao và đây cũng đang là mảnh đất mà DN có thể đầu tư và kiếm lời không thua kém gì lĩnh vực khác.

Dù nhiều đại gia, DN đã quan tâm đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực NN nhưng đến nay tỉ lệ đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn rất khiêm tốn?

Trong một thời gian rất dài NN bị “đè nén”, giá cả thấp, bấp bênh và nhiều khi NN phải chịu “hy sinh” để công nghiệp hóa. Đặc biệt, trước kia người ta nhìn nhận NN là nơi đầu tư không sinh lời tốt như lĩnh vực khác nên ít để ý. Ví dụ: Tính đến hết năm 2013, cả nước có khoảng 70 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, thức ăn và giống thủy sản với tổng vốn đăng ký vỏn vẹn chỉ có trên 300 triệu USD.

Gần đây, lĩnh vực NN đã được hỗ trợ tích cực từ “cú hích” chính sách của Nhà nước. Điển hình như quyết định 210 về khuyến khích DN đầu tư trong NN, nông thôn; nghị quyết 14 của Chính phủ về hỗ trợ tín dụng cho DN xây dựng chuỗi giá trị NN và liên kết với nông dân…

Xây dựng thương hiệu riêng

Đại gia, DN thường phàn nàn rằng dù có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào NN nhưng những chủ trương này chưa thực sự đi vào cuộc sống?

Lâu nay chúng ta để nông dân tự bơi trong một nền sản xuất mang tính tiểu nông, thiếu hiệu quả. Không có ai thu mua và chế biến sản phẩm, không có đầu ra ổn định. Gạo, thanh long, dưa hấu… cứ ùn ùn chở lên biên giới mà chả có hợp đồng mua bán với đối tác nào cả. Thế nên hàng trăm xe chở hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu, giá rớt thê thảm.

Để giải quyết tình trạng trên và để những chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, Bộ NN&PTNT vừa thành lập nhóm công tác thu hút đầu tư vào NN, nông thôn theo hình thức liên kết công-tư với nhiệm vụ chính: cùng DN tham gia vào quá trình hoạch định chính sách; cùng DN thiết kế những dự án đầu tư vào NN hiệu quả cho cả DN và nông dân; cung cấp dịch vụ công để hỗ trợ DN…

Tôi cho rằng những biện pháp mạnh mẽ và thiết thực này đang mang lại kỳ vọng sẽ tạo ra diện mạo mới cho ngành NN. Hy vọng mỗi sản phẩm NN sẽ có thương hiệu riêng và được xuất khẩu dưới dạng các mặt hàng đã qua chế biến sâu.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia về NN, theo ông Nhà nước và nhà khoa học cần làm gì để hỗ trợ các DN đầu tư vào NN?

Lâu nay do thiếu sự đầu tư về khoa học và thiếu sự hợp tác của các DN nên sản phẩm của ta khó cạnh tranh được với các nước có nền khoa học NN phát triển, kể cả một số nước trong khu vực.

Các DN nói họ sẵn sàng đầu tư vào NN nhưng Nhà nước cần có những chính sách thực sự “cởi trói” và đột phá (nhất là về đất đai, hạn điền) cũng như khơi thông được nguồn vốn lãi suất hợp lý, thuế hợp lý… cho mọi thành phần đầu tư vào NN. Đặc biệt cần thực sự đầu tư đáng kể cho lĩnh vực nghiên cứu công nghệ phục vụ cho việc tạo giống mới, tạo các giống lai có năng suất đột phá, chế biến thuốc trừ sâu sinh học, phân bón hữu cơ, nuôi cấy mô…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *