Phía sau tấm màng các nhà tư vấn về tâm lý học

 Việc chuyên viên tư vấn tâm lý Đinh Đoàn gặp “tai nạn” trong một chương trình tư vấn trên Đài Tiếng nói VN (VOV) gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây, như “giọt nước tràn ly” về sự cẩu thả, dễ dãi của chuyên viên tư vấn. Vấn đề đặt ra, vì sao một người chuyên “nghề nói” lại phạm phải một lỗi sơ đẳng liên quan đến giao tiếp? Thực trạng về nghề tư vấn tâm lý hiện nay ra sao?

 

Cũng cần nhắc lại tai nạn của chuyên viên tư vấn Đinh Đoàn. Ông Đinh Đoàn nhận được tình huống: “Em yêu một cô gái, nhà có hai chị em. Em yêu cô chị được sáu tháng rồi, mà cô em lại tỏ ý thích em. Bây giờ em rất khó xử, muốn chương trình cho một lời khuyên”. Ông đáp lại: “Em có yêu cô chị một cách nghiêm túc đàng hoàng không hay là chỉ muốn thịt cả họ nhà nó?”. Thính giả đang chưa hết ngỡ ngàng với kiểu dùng từ “chợ búa” của vị tư vấn viên, lại choáng váng với nhận xét tiếp theo của ông: “Các cô gái mới lớn bây giờ nhiều khi không nghĩ sâu nghĩ xa, cứ thấy chàng trai nào xinh xinh đẹp đẹp rồi đang ở tuổi khát khát muốn có bạn trai thì cứ lân lân la la, mon men. Nếu em chỉ cần yếu đuối một tí thôi là mất cả chì lẫn chài, cô chị cũng không được mà cô em cũng không được, rồi mang tiếng để đời đấy”.

Một câu chuyện khác. Chị Thanh L. (ngụ Q.4, TP.HCM) trong một lần đến Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình (TP.HCM), đang ngồi đợi ở ngoài để đến lượt tư vấn, bỗng choáng váng khi nghe giọng của tư vấn viên vẳng ra: “Thì em phá thai đi, bỏ cho rồi, giữ làm gì con của cái thứ đó”. Chị L. kể: “Nghe xong câu đó, tôi bỏ về luôn, không dám vô tư vấn nữa”.

Mới đây, trong một cuộc tọa đàm về kỹ năng nuôi dạy con được tổ chức ở Trường Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM, sau khi hoàn thành vai trò diễn giả, một vị tiến sĩ tâm lý có tiếng tại TP.HCM được phụ huynh níu lại để nhờ tư vấn thêm. Chị này than thở: “Em có ông chồng gia trưởng, vô trách nhiệm, mê chơi…”. Vị tiến sĩ khuyên: “Chị nên nhỏ nhẹ khuyên nhủ, uốn nắn chồng”. Người phụ nữ chưa hài lòng với phần trả lời, nên bảo: “Nhưng mà em nói nhiều, anh ấy đâu có nghe”. Có lẽ do quá mệt, vị tiến sĩ tỏ ý bực dọc: “Tại sao nói mà chồng không chịu nghe? Do mình dốt, không biết cách nói có lý có tình để chồng nghe”. Người phụ nữ tiu nghỉu, lặng im quay đi.

Một chị đang làm chuyên viên tâm lý ở tổng đài 1088 (xin được giấu tên) kể: “Có lần, có thể là tổng đài bị hở mạch sao ấy, tôi kết nối với khách hàng, mà lại nghe giọng tư vấn của một đồng nghiệp đang tư vấn rằng: “Ơ, cái thằng đó sao hâm thế? Vậy thì tiếc gì, bỏ mẹ nó cho rồi”.

Cách đây chưa lâu, trên chương trình Lá thư tư vấn (Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Dương), thính giả cũng không khỏi bất ngờ khi nghe một vị tiến sĩ tư vấn cho khách hàng nữ là người khuyết tật (cô này bày tỏ ý định kết hôn với một người nam có gia cảnh khó khăn): “Thân cô, cô còn lo chưa xong, nói gì lo cho người khác…”.

Sợ nhất là “quên mình”

Tai nạn của chuyên viên tâm lý Đinh Đoàn cũng như các chuyên viên tư vấn khác như đã kể trên, đều xuất phát từ việc quên mất vai trò của mình là người đang tư vấn. Khách hàng bỏ thời gian, tiền bạc đi tư vấn, chắc chắn họ đã có sự tôn trọng, tin tưởng nhất định đối với các chuyên viên. Nhưng, nhiều khi chuyên viên tư vấn bị cuốn theo câu chuyện của khách hàng mà quên “uốn lưỡi”, như thừa nhận của ông Đinh Đoàn trên báo chí: “Có lẽ vì mải chạy theo yêu cầu “đời thường” mà có lúc chuyên viên tư vấn quên rằng những gì mình nói được phát cho hàng triệu người nghe, nên quá đà, thành ra thông tục. Điều này là đáng tiếc”.

Sau khi đoạn audio “tai nạn” của chuyên viên tư vấn Đinh Đoàn được đưa lên mạng, cư dân mạng đã “ném đá” dữ dội. Thế nhưng, ông lại tiếp tục khiến người khác sốc thêm một lần nữa, khi không đưa ra lời xin lỗi, mà trả lời báo chí một cách bực dọc: “Chỉ có ai không làm gì mới không mắc lỗi. Trong hàng trăm ngàn ca tư vấn, có chút sơ sẩy cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Ai nói rằng đó là mất dạy, phản văn hóa, mất đạo đức, cũng là quyền của các bạn ấy”. Tất nhiên, ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng mắc sai lầm thì phải xin lỗi. Nói lời xin lỗi là điều cơ bản nhất trong giao tiếp, vậy mà một người làm “nghề nói” như ông Đinh Đoàn lại quên mất điều sơ đẳng ấy.

Bà Lý Thị Mai – chuyên viên tâm lý được xem là có kinh nghiệm nhiều và hầu như ít va vấp – chia sẻ: “Trước khi dự một chương trình tư vấn, lên sóng hay một buổi nói chuyện bất kỳ ở đâu, tôi rất chú tâm cho công việc sắp làm của mình. Những thời khắc đó, tôi tự nhắc về sự thiêng liêng của nghề nghiệp mình đang làm. Nếu không cẩn trọng trong tư vấn sẽ làm cho người ta càng hoang mang, mất niềm tin…”.

Bà Mai quan niệm: “Ngoài việc phải tập trung cao độ để luôn nhớ mình đang “sắm vai” nhà tư vấn, các chuyên viên còn phải học hỏi từng ngày”. Việc một số chuyên viên lỡ miệng suồng sã trong tư vấn, là do thói quen nói chuyện hàng ngày đã “lộ” ra trong quá trình tác nghiệp.

Tư vấn tâm lý là một trong những nghề “lạ kỳ” ở nước ta: chỉ cần có chút khiếu ăn nói, có học qua ngành tâm lý và “hợp nhãn” với một đơn vị nào đó, là được chọn làm chuyên viên tư vấn mà chẳng cần chứng chỉ hành nghề gì cả. Thậm chí, có không ít chuyên viên tư vấn còn chưa từng học qua ngành tâm lý, nhưng vẫn “sống khỏe” với nghề. Có lẽ, vì những yếu tố thiếu căn cơ ấy, thực tế đang “tố cáo” nhiều thiếu sót mang tính cơ bản của các chuyên viên tư vấn đang hành nghề.

Mạnh ai nấy làm!

Hiện nay, nếu chỉ xét ở địa bàn TP.HCM, có thể tạm phân ra ba “hạng” chuyên viên. Một là, chuyên viên tư vấn được đào tạo chính quy ở các trường đại học về tham vấn, tư vấn tâm lý. Số này rất ít ỏi. Sinh viên chính quy của Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tốt nghiệp trong 25 năm qua chỉ có 275 cử nhân, 24 thạc sĩ. Nhưng số cử nhân và thạc sĩ này, đã có khoảng 80% người tham gia giảng dạy. Con số gần 20% còn lại tham gia tư vấn và làm một số ngành nghề khác. Tuy nhiên, phải nói thêm, sinh viên ở khoa này vẫn chưa được đào tạo để làm người tư vấn tâm lý, chuyên môn chính của họ vẫn là giảng dạy về tâm lý học và giáo dục học ở các trường TH, CĐ và ĐH. Một đơn vị có đào tạo chính quy nghề tham vấn hẳn hòi ở TP.HCM là Trường ĐH Văn Hiến. Nhưng, trong 470 sinh viên đã tốt nghiệp từ trường này, số người tham gia làm tư vấn tâm lý chỉ khoảng 10 người (theo ước tính của GS-TS Trần Tuấn Lộ – Trưởng khoa Tâm lý Trường ĐH Văn Hiến).

“Hạng” chuyên viên tư vấn thứ hai là những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ của một chuyên ngành hoàn toàn khác, có khả năng “ăn nói”, có dự một vài khóa huấn luyện ngắn hạn về tham vấn, tư vấn tâm lý. Đây là hạng chuyên viên phổ biến nhất đã và đang hành nghề tại các trung tâm, công ty, tổng đài tư vấn trên địa bàn TP.HCM. Cuối cùng, đó là “hạng” chuyên viên chỉ có kinh nghiệm sống – theo GS-TS Trần Tuấn Lộ, dù chỉ có một số ít, nhưng có thể nói, đây là một thực trạng, một tồn tại cần thay đổi của nghề tư vấn; là vấn đề khiến không ít người làm nghề cảm thấy không yên tâm. Bởi đơn giản, dù có tài giỏi đến mấy, cũng phải có nền kiến thức về khoa học tâm lý mới có thể hành nghề.

Chính chuyên viên tư vấn tâm lý Đinh Đoàn cũng thừa nhận trên trang web cá nhân của ông rằng, bản thân ông tự tìm đến với nghề và vừa làm vừa học: “Cùng với một nhóm bạn, đều là những người chung chí hướng, chúng tôi tự lập ra đường dây tư vấn tâm lý – tình cảm qua tổng đài 108, Bưu điện Hà Nội. Thế là chúng tôi học hỏi để tự trở thành người làm nghề tư vấn tâm lý.Vậy thôi!”.

Ông Nguyễn Việt Bắc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục TP.HCM cho biết: “Tính đến cuối năm 2011, sau khi sơ kết 5 năm hoạt động (2006-2011), Hội có đến 350 hội viên không tiếp tục tham gia. Hiện chỉ còn 308 hội viên đang sinh hoạt. Một thực trạng phải nhìn nhận là hiện nay Hội không quản nổi hội viên và các chuyên gia, trung tâm tư vấn tâm lý. Nguyên nhân đã được nhắc nhiều, bàn nhiều, đó là Hội không có một cơ chế, hành lang pháp lý nào như cấp thẻ hành nghề hoặc cấp phép hoạt động cho tất cả các trung tâm, công ty có hoạt động liên quan đến lĩnh vực này. Để đạt được “mơ ước” đó là chuyện xa xôi lắm”.

Chính tình trạng “không ai quản” này đã làm nhiều chuyên viên tư vấn tâm lý hoạt động theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, muốn hành nghề tư vấn tâm lý, phải có bằng cấp tầm quốc gia, do hội ngành nghề sát hạch.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *