Sự nguy hiểm của túi nilon mà bạn nên biết

Vấn đề xử lý các loại rác thải hiện rất khó khăn, đặc biệt là sự nguy hiểm của túi nilon, loại rác thải rất khó phân hủy.

nhung_dieu_can_biet_ve_su_nguy_hiem_tui_nilon_1

Người ta ước tính rằng, nếu không đựng thực phẩm bằng các túi nilon thì mỗi năm nước Cộng hòa Pháp sẽ tiết kiệm được 3,3 tỷ chiếc túi nilon, tương đương với 550 tấn nhựa. Đây là một trong những kết luận được các nhà nghiên cứu Pháp đưa ra mới đây.

Còn ở Việt Nam, mỗi ngày các bà nội trợ cũng thải ra hàng triệu túi, bao bì bằng nilon. Chỉ một phần nhỏ trong số này được thu gom, tái chế, còn phần lớn bị vứt đi vô tội vạ không chỉ gây lãng phí về kinh tế, mà còn đặt ra nhiều vấn đề về môi trường. Việc quá lạm dụng sản phẩm nilon trong bao gói, đựng, chứa thực phẩm, hàng hóa, cùng với sự bừa bãi, vô ý thức của con người đã tạo nilon thành một loại rác thải lan tràn khắp nơi, từ các khu du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh đến đồng ruộng, hồ ao, sông ngòi… Theo Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), các bãi biển của Pháp luôn bị ô nhiễm bởi khoảng 122 triệu chiếc túi nilon. ở Việt Nam, chưa có con số thống kê cụ thế, nhưng chắc chắn mức độ ô nhiễm và khối lượng rác thải nilon sẽ vượt qua con số này nhiều.

Để vứt bỏ một túi nilon chỉ tốn 1 giây, nhưng nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500 năm đến 1.000 năm chúng mới có thể phân hủy được. Tuy nhiên, nếu đốt nilon không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ sẽ gây ô nhiễm môi trường, nguy hại đến sức khỏe con người và động vật.

Theo các nhà khoa học, trong một số loại túi nilon có lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất, khi bị đốt cháy, gặp hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit, rất có hại cho phổi người và động vật. Tệ hơn, túi nilon làm bằng nhựa PVC (Poly vinylclorua) có chứa Clo, khi cháy tạo ra chất Điôxin và Axit clohiđric vô cùng độc hại.

Mặt khác, việc sử dụng bao bì nilon có thể gây nguy hại đối với môi trường bởi đặc tính không phân hủy của Plastic. Bao bì nilon lẫn vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cây cỏ, dẫn đến hiện tượng xói mòn ở các vùng đồi núi. Bao bì nilon bị vứt xuống cống làm tắc các đường dẫn nước thải, làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị về mùa mưa. Sự tắc nghẽn hệ thống thoát nước thải sẽ làm cho ruồi muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Bao bì nilon trôi ra biển làm chết các sinh vật khi chúng nuốt phải hoặc mắc phải. Nhưng nguy hại hơn cả là tác hại của bao bì nilon đối với sức khoẻ con người. Những bao bì nilon nhuộm màu sẽ làm ô nhiễm thực phẩm do chúng chứa các kim loại như chì, Ca-đi-mi (một loại kim loại, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất kẽm, chì, đồng từ quặng) gây tác hại cho não và là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi. Khi bị đốt cháy, các loại bao bì nilon sẽ tạo thành nhiều khí độc, đặc biệt là chất Điôxin có thể gây ngộ độc, gây ngất, nôn ra máu, khó thở, gây rối loạn chức năng, bị ung thư, giảm khả năng miễn dịch, ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết. Với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, khi hít phải loại khí này, rất dễ đứa trẻ sinh ra sẽ bị mắc các dị tật bẩm sinh.

Nguyên liệu nhựa hiện có mặt trên thị trường mà các đơn vị sản xuất nhựa thường dùng để sản xuất nhựa gia dụng như PP (Polypropilen), PVC, PE (Polyetylen), PS (Polystiren), ABS (Poly acronitril butadien stiren), HIPS, PET…; tùy tính năng từng loại mà nhà sản xuất chế tạo các sản phẩm khác nhau. Trong đó, tính chất của nhựa PVC là rắn, kháng thời tiết tốt, chống lão hóa cao, độ bền sử dụng cao nhưng độc trong quá trình sản xuất, thường ứng dụng để làm ống nước, tấm cứng; do vậy, từ lâu trên thế giới đã cấm dùng nhựa PVC trong sản xuất bao bì thực phẩm.

Các nhà chuyên môn khẳng định: bản thân nguyên liệu nhựa không độc. Chính những chất phụ gia cho vào trong quá trình sản xuất mới là chất gây độc, và nhà sản xuất phải ghi rõ thành phần nguyên liệu nhựa để người tiêu dùng nhận biết và chọn lựa được sản phẩm an toàn. Theo Trung tâm Kỹ thuật chất dẻo thành phố Hồ Chí Minh, ngoài nhựa nguyên sinh, các nhà sản xuất còn đưa vào các chất phụ gia như chất gia cường, chất chịu thời tiết, chất chống tia tử ngoại, bột màu… làm cho sản phẩm có nhiều độc tố gây hại cho người sử dụng.

Phó giáo sư Nguyễn Văn Khôi, phòng Vật liệu Polymer, Viện Khoa học Việt Nam cho biết, Bisphenol-A (BPA) thuộc nhóm Polycarbonat, gồm các chất Polymer dẻo nóng và trong suốt, được sử dụng để tráng bên trong các sản phẩm bằng nhựa và kim loại đựng thực phẩm (bát đĩa, cốc, cặp lồng, hộp, chai). BPA có thể thôi nhiễm khi bao bì được đun nóng, được làm sạch bằng các chất tẩy rửa mạnh hoặc tiếp xúc với thức ăn hoặc đồ uống có tính Axít. Tại Mỹ, người ta đã cảnh báo BPA có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ, làm thay đổi chức năng của hệ miễn dịch, gây rối loạn hành vi và khả năng nhận thức.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Cửu Khoa, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Hóa học, túi nilon thường được những người bán hàng dùng đựng thực phẩm được làm từ nhựa PE (Polyetylen) hoặc nhựa PP. Thành phần của các loại nhựa này không chứa độc, nhưng những chất phụ gia làm cho nhựa mềm, dẻo lại có khả năng gây độc cho người. Những loại túi này hoặc hộp nhựa, bình nhựa, túi nhựa có thể có chất độc DOP (Dioctin phatalat).

Các tiêu chí để người tiêu dùng chọn sản phẩm nhựa dùng đựng thực phẩm an toàn gồm có: độ trong suốt, độ bóng, độ dẻo dai, các ký hiệu ghi trên sản phẩm và thương hiệu của nhà sản xuất. Những loại bao bì tái chế thì không được ghi gì cả để phân biệt loại thu hồi tái chế và loại tinh khiết. Bao bì được sản xuất từ loại nhựa tinh khiết thì luôn luôn được ghi tên loại nhựa ở dưới đáy bao bì (theo quy định quốc tế trong lĩnh vực nhựa).

Không những cần lưu ý khi sử dụng bao bì đựng thực phẩm, người tiêu dùng còn phải biết trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình.

Để ngăn chặn sự “bùng phát” của túi nilon trên phạm vi toàn cầu, nhiều quốc gia đã thực hiện các chiến dịch giảm thiểu sử dụng túi nilon bắt đầu từ hệ thống các siêu thị, cửa hàng. ở nhiều siêu thị tại Pháp, Hà Lan đã không phát túi nilon đựng đồ. Khách hàng được khuyến khích mua các túi đựng hàng lớn bằng nilon tự hủy, giấy… (giá chỉ 0,1-0,2 euro), có thể sử dụng nhiều lần và đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo người dân.

ở Hoa Kỳ, tháng 3/2007, Hội đồng thành phố San Francisco đã thông qua dự luật cấm sử dụng túi nilon trong việc gói, bọc hàng trong các siêu thị lớn, nhằm thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu có khả năng tái sinh để bảo vệ môi trường. Từ tháng 9/2007, các siêu thị lớn, hiệu thuốc ở thành phố này đã sử dụng các loại túi nhựa tự hủy, túi vải và túi sử dụng nhiều lần. Với lệnh cấm này, mỗi năm San Francisco tiết kiệm được 1,7 triệu lít dầu, đỡ tốn công chôn lấp 1.400 tấn rác nilon.

Kể cả những quốc gia ở Châu Phi như Uganda, Kenya, Tanzania… cũng đang có những động thái cấm nhập khẩu, sản xuất, tăng thuế đối với mặt hàng túi nhựa (“vết đen” của diện mạo môi trường Châu Phi) nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của túi nilon đối với môi trường.

ở Việt Nam hiện nay, một số các siêu thị lớn như hệ thống Metro Cash and Carry… cũng đã áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế sử dụng túi nilon như: không phát túi khi mua hàng mà thay vào đó là các loại túi nhiều lần… Bộ TN&MT đã có những khuyến cáo và biện pháp nhằm hạn chế sử dụng túi nilon và tác hại của túi nilon đến môi sinh.

 

Hãy chung tay bảo vệ môi trường với chúng tôi :
    Công ty Bách Khoa chuyên thu mua phế liệu giá cao : đồng, chì, niken, nhôm, inox,…Liên hệ ngay số điện thoại Anh Quyết : 0903373335. Chúng tôi mua bán với số lượng lớn với giá cao và có thiết bị phân tích kỹ thuật cao, có nhân viên tư vấn và chăm sóc phục vụ quý khách ở các tỉnh thành như : TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các tỉnh lân cận khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *