Sức ép tỷ giá với nợ công và chính sách tiền tệ ngày càng khó tránh

Hiện nay, đồng USD tăng mạnh gây ảnh hưởng đến điều hành chính sách tỷ giá. Nếu đồng USD tăng thì các khoản nợ nước ngoài phải trả bằng USD và sẽ phải gánh chi phí nợ cao hơn.

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR vừa công bố báo cáo kinh tế thương niên 2015 với chủ đề “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” sáng  28/5.
Báo cáo năm nay đề cập đến những cơ hội cũng những thách thức khi quá trình hội nhập với nền kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn nước rút,với hàng loạt hiệp định thương mại tự do đang ở những bước đàm phán cuối cùng.
Thực tế này mở ra nhiều cơ hội mới cho tương lai kinh tế-xã hội Việt Nam, nhưng đồng thời, cũng đặt ra những câu hỏi về sự sẵn sàng cho một quá trình hội nhập và tiến tới hoà nhập thực sự vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Đánh giá về toàn cảnh kinh tế Việt Nam, báo cáo nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng hồi phục không đồng đều, thương mại quốc tế gặp nhiều cản trở, tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Việt nam vượt mục tiêu và cao hơn hầu hết dự báo.
Theo báo cáo, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp nhất trong 10 năm , các yếu tố gây bất ổn được kiềm chế, các cân đối vĩ mô giảm bớt mức độ kém an toàn, dù vẫn dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài, cấu trúc kinh tế vẫn bộc lộ nhiều vấn đề gây ra bởi những yếu tố gây ràng buộc, cản trở tái cấu trúc và chuyển dịch cơ cấu.
Theo nhận định của báo cáo, những yếu tố sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu và Việt Nam trong thời gian tới có khả năng là việc Mỹ dự kiến sẽ điều hành thắt chặt chính sách tiền tệ bằng công cụ lãi suất trong tháng 6/2015 có thể gây ra áp lực nhất định lên tỷ giá hối đoái đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đồng USD mạnh lên sẽ gây áp lực cho điều hành chính sách tỷ giá. Nếu đồng USD tăng mạnh thì các khoản nợ nước ngoài phải trả bằng USD có thể sẽ phải gánh chi phí nợ cao hơn.
Bên cạnh đó, giá dầu thế giới trong thời gian tới sẽ dần dần tăng nhẹ do nguồn cung thế giới đã thu hẹp hơn giai đoạn đỉnh như hồi đầu năm 2014. Với xu hướng như vậy các cá nhân, hộ gia đình và các DN vận tải sẽ không còn được hưởng lợi nhiều từ việc giảm giá dầu như năm 2014 nữa.
Việt Nam là nước vừa sản xuất vừa tiêu thụ xăng dầu nên phần thu ngân sách Nhà nước từ việc xuất khẩu dầu thô sẽ được cải thiện hơn, nhưng do giá sản phẩm xăng dầu sẽ có xu hướng tăng lên nên giá thành sản xuất sẽ tăng trở lại và có thể sẽ gây áp lực nhất định lên chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2015.
Bản báo cáo cũng đã đưa ra 2 kịch bản kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2015 và một số thảo luận về các chính sách ngắn hạn đang áp dụng hiện nay.
Hai kịch bản dự báo cho thấy tăng trưởng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhẹ đã tích lũy từ năm 2013. Trong đó, kịch bản thấp dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,1%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức 6,3%, lạm phát tăng khoảng 1,9% so với năm 2014 – tức là vẫn duy trì ở mức thấp,
Kịch bản cao cho rằng khi nền kinh tế phục hồi cao hơn một chút, thì lạm phát có thể lên tới 3,2% và khuynh hướng tăng diễn ra nhanh hơn vào cuối năm, và tiếp tục tăng trong 2016. Kịch bản cao tuy có bề ngoài không khác quá xa kịch bản thấp nhưng phản ánh một mức độ rủi ro vĩ mô cao hơn nhiều sẽ xuất hiện trong năm 2016.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam, được xây dựng lần đầu tiên từ năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách phù hợp.
Tiếp nối những năm trước, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 với chủ đề “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” đã được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình toàn cầu hóa. Quá trình hội nhập quốc tế đã đạt được những thành tựu bước đầu nhưng tiến triển, hiệu quả và những được – mất vẫn cần thời gian để đánh giá. Đồng thời, nền kinh tế vẫn cần có nhiều thay đổi về thể chế và chính sách để thích ứng với bối cảnh mới, giúp Việt Nam hòa nhập và hòa đồng với các nước khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *