Thông tin trực tuyến: “Doanh nghiệp FDI, minh bạch thuế và túi tiền quốc gia”

Hai năm về trước, Thanh tra Chính phủ từng tiến hành một đợt thanh tra về việc chấp hành pháp luật về thu nộp ngân sách nhà nước tại khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Kết quả thanh tra đã nêu lên nhiều vấn đề bất cập liên quan đến vấn đề này cũng như từng doanh nghiệp cụ thể, trong đó đặc biệt đáng chú ý là tình trạng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục khai lỗ lớn trong thời gian qua.

Thanh tra Chính phủ phát hiện là trong bối cảnh khai lỗ liên tục và lớn, một số doanh nghiệp vẫn có “tốc độ tăng doanh thu hàng năm vẫn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng, nhiều doanh nghiệp đã có số lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu”.

Để tạo một diễn đàn với nhiều góp ý, khuyến nghị chính sách liên quan đến hiện tượng chuyển giá, lách thuế, trốn thuế của doanh nghiệp FDI, cũng như sự công bằng trong chính sách thuế nói chung, VnEconomy phối hợp với ActionAid Vietnam tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Doanh nghiệp FDI, minh bạch thuế và túi tiền quốc gia”, diễn ra từ 14h – 16h chiều nay (thứ Tư, ngày 29/10/2014), với sự tham gia của các diễn giả:

– Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

– TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế

– TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính)

– Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế – Deloitte Việt Nam

Sau đây là nội dung cuộc giao lưu trực tuyến:

M.H:

Tôi làm tại một doanh nghiệp FDI. Ngành thuế hiện đang tiến hành nhiều đợt thanh kiểm tra đối với các doanh nghiệp FDI. Làm thế nào để có thể duy trì kỷ luật tài chính, thuế, trong khi không khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy áp lực và mất niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam?

Ông Lê Đăng Doanh:

Theo tôi, việc thanh tra kiểm tra nên được quy định rõ ràng và tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, công khai minh bạch sẽ tránh được những cảm nhận không thuận lợi của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp thường xuyên phản ánh bị thanh tra quá nhiều lần, thanh tra kéo quá dài, và rất phức tạp, chồng chéo, rất mong các cơ quan có liên quan phối hợp để giảm bớt sự phiền hà đối với doanh nghiệp.

Andy Nguyen:

Ông/bà thấy thế nào về đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI hiện nay?

Ông Lê Đăng Doanh:

Cộng đồng doanh nghiệp FDI đã có đóng góp rất đáng trân trọng trong phát triển những ngành công nghiệp mới vận dụng công nghệ tiên tiến, đóng góp quan trọng cho xuất khẩu. Tuy vậy, đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào thu ngân sách còn chưa tương xứng.

Andy Nguyen:

Báo đăng rằng Bộ Tài chính trong 9 tháng đầu năm nay đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.990 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, truy thu, phạt và truy hoàn là 1.559,8 tỷ đồng, giảm lỗ 4.720 tỷ đồng; giảm khấu trừ 99,9 tỷ đồng. Các chuyên gia bình luận gì về các con số này?

Ông Lê Đăng Doanh:

 

25

Những nỗ lực của Bộ Tài chính là rất đáng hoan nghênh và đi đúng hướng để tạo ra sự bình đẳng trong đóng góp vào ngân sách của các loại hình doanh nghiệp. Có lẽ các nỗ lực đó cần được tiếp tục để giảm bớt tình trạng chuyển giá và trốn thuế của các doanh nghiệp FDI.

TomTom:

Theo các chuyên gia, thì đang có những lỗ hổng pháp luật nào về thuế của Việt Nam liên quan đến doanh nghiệp FDI?

Ông Lê Đăng Doanh:

Gần đây chúng ta đã phát hiện doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mở rộng kinh doanh, đầu tư tăng thêm, nhưng không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhiều công trình đã cho thấy doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã có hành vi chuyển giá.

Đầu năm 2014, Bộ Tài chính có công bố một báo cáo của Tổng cục Thuế thanh tra 870 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và đã phát hiện 720 doanh nghiệp có vi phạm, trong đó có tỉnh như Quảng Ngãi có 27/27 doanh nghiệp đã có vi phạm, An Giang có 7/7 doanh nghiệp vi phạm. Tức là tỷ lệ vi phạm 100%.

Tỷ lệ vi phạm ở Tp.HCM là 85%, ở Hà Nội là 90%. Tại Hà Nội, có 326/332 doanh nghiệp vi phạm. Cơ quan chức năng đã truy thu được 1.500 tỷ đồng tiền thuế.

Thủ đoạn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trốn thuế chủ yếu là chuyển giá, tức là nâng giá đầu vào mà các công ty mẹ bán cho các công ty con ở Việt Nam lên mức giá rất cao và mua lại các sản phẩm của công ty con sản xuất ở Việt Nam với một mức giá rất thấp để cho công ty con ở Việt Nam không có lãi và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Công ty mẹ có trụ sở ở một nền kinh tế có tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn hẳn. Chẳng hạn, ở Hồng Kông, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là 15%, và công ty được lợi bằng cách chuyển toàn bộ lợi nhuận vào công ty mẹ và hưởng mức thuế thấp.

Một thủ đoạn khác được phát hiện là công ty con phải chịu chi phí quảng cáo không chỉ của công ty con quảng cáo ở Việt Nam, mà còn chịu cả phần chi phí quảng cáo của công ty mẹ. Có công ty như Adidas phải chịu chi phí quản lý của quá nhiều cấp. Adidas Việt Nam chịu phí quản lý của Adidas châu Á-Thái Bình Dương tại Singapore và chi phí của Adidas ở Đức.

Qua những ví dụ này, chúng ta thấy, cơ quan thuế của Việt Nam đã chậm phát hiện các thủ đoạn chuyển giá và trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, và các luật về thuế và phí của Việt Nam cần được bổ sung và hoàn chỉnh để có thể xử lý được những thủ đoạn mà chúng ta đã phát hiện.

Cũng phải nói, việc chuyển giá này là phổ biến và các nước đều gặp, không phải chỉ xuất hiện ở các hãng bán lẻ hay sản xuất bia, nước ngọt, mà xuất hiện cả ở các ngân hàng và các công ty tài chính, và việc phát hiện và xử lý là hoàn toàn không dễ dàng vì các công ty đó có các chuyên gia về tài chính – kế toán rất thành thạo.

Họ nghiên cứu, so sánh thuế từng nước, luật kế toán từng nước để tìm và tận dụng mọi lỗ hổng.

Bởi vậy, tìm ra việc trốn thuế, chuyển giá của các công ty nước ngoài là một cuộc đấu trí của hai bên thu thuế và nộp thuế. Bên nào trí tuệ., “võ nghệ” cao cường hơn thì bên đó sẽ thắng.

Quyet:

Việc chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp FDI, theo ông/bà có nguyên nhân từ đội ngũ thực thi? Nếu có thì có phải là nguyên nhân quan trọng hay không?

Ông Bùi Ngọc Tuấn:

26

Chào bạn,

Cơ quan thuế là cơ quan thừa hành, thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính để quản lý thu ngân sách nhà nước. Do vậy, không thể nói rằng cơ quan thuế (đội ngũ thực thi) là nguyên nhân góp phần vào tình trạng chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp.

Việc chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp, nếu có, hoàn toàn xuất phát từ bản thân doanh nghiệp. Hiện nay, cơ quan thuế đang tích cực xây dựng, đào tạo đội ngũ có chuyên môn sâu trong lĩnh vực chuyển giá để có thể thực hiện các cuộc thanh tra chuyển giá hiệu quả, thu hồi các khoản thuế mà có thể doanh nghiệp đã thu lợi từ các nghiệp vụ chuyển giá trước đây.

Hiệu quả của việc thanh tra chuyển giá đã được thể hiện qua kết quả rất khả quan trong các năm qua. Các doanh nghiệp FDI cũng đã nhận thấy vấn đề này và đang tự giác điều chỉnh kết quả hoạt động kinh doanh về mức giá thị trường, tránh bị phạt thuế nếu bị thanh tra chuyển giá sau này.

Nhiều doanh nghiệp những năm trước lỗ năm nay đã có lãi. Số lượng doanh nghiệp FDI kê khai thua lỗ từ đầu năm đến nay đã giảm ro rệt, nhiều doanh nghiệp đã tự giác hơn trong kê khai, điều chỉnh chi phí.

Quang Thọ:

Nếu phát hiện doanh nghiệp lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng liên tục trong thời gian dài, theo ông/bà, cơ quan quản lý nên ứng xử thế nào với trường hợp này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *