Trái phiếu là gì ? Điều gì tạo nên trái phiếu ?

Trái phiếu là gì?

Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường trái phiếu là thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới mang đến cho các nhà đầu tư những lựa chọn vô cùng đa dạng. Nhiều nhà đầu tư có thể rất am hiểu về thị trường, tuy nhiên ngày càng có nhiều sản phẩm mới ra đời nên ngay cả một nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp cũng cần phải nỗ lực để cập nhật. Trái phiếu được xem như là một hình thức tạo lợi nhuận ổn định và bảo toàn vốn. Tổng giá trị trái phiếu trên thị trường thế giới đạt đến 90 ngàn tỷ USD và mang lại nhiều lợi ích cho các danh mục đầu tư gồm cả những khoản lợi nhuận hấp dẫn.

Trang bị kiến thức cơ bản về trái phiếu là cần thiết để có thể hiểu được sự phức tạp đối với thị trường rộng lớn và đa dạng này: Trái phiếu là gì và bằng cách nào trái phiếu đáp ứng được mục tiêu đầu tư của bạn?

Điều gì tạo nên trái phiếu?

điều gì tạo nên trái phiếu

Trái phiếu là một khoản vay mà bên mua trái phiếu, trái chủ, cho bên phát hành trái phiếu vay. Các chính phủ, doanh nghiệp và chính quyền địa phương các cấp phát hành trái phiếu khi cần huy động vốn. Nhà đầu tư mua trái phiếu chính phủ đồng nghĩa với việc cho chính phủ vay tiền. Nếu nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp là cho doanh nghiệp vay tiền. Trái phiếu trả lãi định kỳ như một khoản vay và hoàn trả vốn gốc vào một thời điểm xác định gọi là ngày đáo hạn.

Giả sử doanh nghiệp muốn xây dựng một nhà máy sản xuất mới trị giá 1 triệu đô la và quyết định chào bán trái phiếu để tài trợ cho nhà máy. Doanh nghiệp có thể quyết định bán cho nhà đầu tư 1.000 trái phiếu giá trị 1.000 đô trên mỗi trái phiếu. Trong trường hợp này, “mệnh giá” mỗi trái phiếu là 1.000 đô. Doanh nghiệp, lúc này được gọi là nhà phát hành, xác định mức lãi suất hàng năm hay còn gọi là trái tức và thời gian thanh toán vốn gốc 1 triệu đô. Để xác định trái tức, nhà phát hành cân nhắc môi trường lãi suất hiện hành nhằm đảm bảo tính cạnh tranh so với các trái phiếu tương tự và hấp dẫn nhà đầu tư. Nhà phát hành có thể quyết định bán trái phiếu kỳ hạn 5 năm với trái tức hàng năm ví dụ như 10%. Sau 5 năm, trái phiếu đáo hạn và doanh nghiệp hoàn trả mệnh giá 1.000 đô cho mỗi trái chủ.

Kỳ hạn trái phiếu giữ vai trò quan trọng liên quan đến mức độ rủi ro cũng như tỷ suất sinh lời kỳ vọng của một nhà đầu tư. 1 triệu đô trái phiếu kỳ hạn 5 năm thường được đánh giá là ít rủi ro hơn so với trái phiếu tương tự với kỳ hạn 30 năm do có rất nhiều yếu tố có thể tác động tiêu cực đến khả năng thanh toán của nhà phát hành trong khoảng thời gian 30 năm hơn là trong 5 năm. Rủi ro đối với trái phiếu có kỳ hạn dài có mối liên hệ mật thiết với lãi suất hay trái tức mà nhà đầu tư phải chi trả đối với trái phiếu. Nói theo cách khác, nhà phát hành sẽ chi trả lãi suất cao hơn đối với trái phiếu có kỳ hạn dài. Do đó, nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận cao hơn từ trái phiếu có kỳ hạn dài tuy nhiên mức độ rủi ro theo đó cũng sẽ cao hơn.

Mỗi trái phiếu luôn tiềm ẩn rủi ro về khả năng nhà phát hành có thể phá sản hoặc mất khả năng thanh toán toàn bộ khoản vay. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đôc lập cung cấp dịch vụ đánh giá mức độ rủi ro phá sản của nhà phát hành hay còn gọi là rủi ro tín dụng và công bố xếp hạng tín nhiệm không những giúp nhà đầu tư đánh giá mức độ rủi ro mà còn giúp họ xác định mức lãi suất đối với từng loại trái phiếu. Một nhà phát hành có mức xếp hạng tín dụng cao sẽ trả lãi thấp hơn so với nhà đầu tư có mức xếp hạng tín dụng thấp. Và như vậy, những nhà đầu tư mua trái phiếu có mức xếp hạng tín dụng thấp có khả năng thu được lợi nhuận cao hơn, tuy nhiên họ phải chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *