Ván bài mới cho đại gia bất động sản

Đại gia BĐS mới nổi kín tiếng

Mới đây, Chính phủ đã cho phép Hà Nội giao đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất mà lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định sau khi Tập đoàn dầu khí (PVN) rút lui khỏi Dự án Tổ hợp khách sạn Dầu khí Việt Nam (PVN Tower) được đầu tư xây dựng tại Mễ Trì (đối diện với Bộ Ngoại giao mới đang xây dựng).

Cái tên Chủ đầu tư mới được nhắc tới là Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh (Đầu tư Mai Linh), và dự án này cũng đã được đổi lại tên là  “Công viên giải trí, trường học và Tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Palace A”. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này chưa có thông tin nào về việc có hay không vấn đề điều chỉnh quy mô hay chiều cao của công trình.

Những năm 2006, khi thị trường địa ốc bắt đầu bước vào “con sóng” lớn, ông Trần Đăng Khoa với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh BĐS cao cấp đã cùng với một vài cổ đông khác là Việt kiều sáng lập nên Công ty CP Đầu tư Mai Linh để phát triển dự án khu chung cư Golden Palace Mễ Trì (đối diện The Manor) với 3 tòa tháp khoảng 1.000 căn hộ cao cấp.

Trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng và bán sản phẩm ra thị trường, Golden Palace cũng đã trải qua những thăng trầm trên thị trường. Có giai đoạn thị trường lao dốc chủ đầu tư phải hạ giá bán, khi hoàn thiện bàn giao cũng gặp không ít vấn đề khiến kiện, khiếu nại của khách hàng.

Bên cạnh đó thì Đầu tư Mai Linh cũng thuộc nhóm công ty BĐS tại Hà Nội thuộc sở hữu của vợ chồng ông Trần Đăng Khoa và bà Nguyễn Thị Minh Hồng cùng những cổ đông khác. Có thể kể tới như Công ty BĐS Hồng Ngân (vốn điều lệ 1.300 tỷ) đầu tư dự án Thành Phố Xanh 17,7ha ở Mỹ Đình và khu công viên Mai Dịch, Công ty Hà Nội Xanh hợp tác đầu tư dự án Golden Palace Lê Văn Lương, Công ty Invenco hợp tác đầu tư chung cư No4 Hoàng Đạo Thúy…

“Ván bài mới” của doanh nhân Trần Đăng Khoa và Trần Bá Dương

Hai doanh nhân cùng họ Trần này đến nay đều là những doanh nhân thành đạt, có tiếng tại Việt Nam. Một người được xem là “ông vua” trong lĩnh vực ô tô khi là Chủ tịch HĐQT công ty nổi tiếng ô tô là Trường Hải Group, và một là ông chủ nhiều dự án BĐS lớn hiện đang hợp tác đầu tư cùng nhau trong ngành địa ốc.

Giữa năm 2014, giới thạo tin địa ốc Hà Nội xôn xao với tin đồn “anh Khoa Keangnam”- bí danh của doanh nhân Trần Đăng Khoa bán một  loạt dự án ở Hà Nội để Nam tiến. Đến cuối 2014 thông tin này cũng đã được kiểm chứng khi một công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup công bố đã mua lại Công ty BĐS Hồng Ngân, có nghĩa dự án 17,7ha ở Mỹ Đình đã về tay Vingroup.

Cuối năm 2014 Đại Quang Minh nổi lên như một thế lực mới ở Thủ Thiêm khi bỏ ra khoảng 12.000 tỷ để khởi động đầu tư xây dựng 4 tuyến đường tại KĐT mới này theo hình thức BT và sau đó là dự án cầu Thủ Thiêm 2…Đổi lại công ty này được giao làm chủ đầu tư nhiều dự án BĐS ở Thủ Thiêm. Theo Ban quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm Đại Quang Minh đang sở hữu khoảng 256ha tại Thủ Thiêm.

Còn theo thông tin từ Đại Quang Minh, đến nay công ty đã nộp tiền sử dụng đất là 3.325 tỷ đồng và đầu tư trên 7.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho KĐT mới này.

Việc đầu tư mạnh mẽ này một phần có sự góp mặt của Thaco Trường Hải. Giữa 2013 Trường Hải thông báo quyết định từ nhiệm của Tổng Giám đốc của ông Trần Bá Dương để làm Tổng Giám đốc của Đại Quang Minh.

Qua tìm hiểu được biết Đại Quang Minh thành lập 3/2011 và thay đổi giấy phép kinh doanh tháng 3/2014 với số vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng . Trong đó, thông tin đáng chú ý về các cổ đông sáng lập đều là những tên tuổi quen thuộc là Trường Hải Group nắm 45% trị giá trên 2.000 tỷ, ông Trần Đăng Khoa nắm 17,5%, Đầu tư Mai Linh 37,5%. Trước đó, Thaco Trường Hải cũng đã rót hàng nghìn tỷ vào dự án Golden Palace Mễ Trì.

Hiện tại các dự án ở Thủ Thiêm của Đại Quang Minh được quy hoạch thành KĐT lớn với tên thương mại là Sala, tổng quỹ đất 106ha. Hiện tại đang xây dựng chung cư cao tầng, biệt thự và mở bán ra thị trường.

Không dừng lại đó, mới đây một dự án khác là đang được giao Đại Quang Minh lập quy hoạch chi tiết 1/500 vùng châu thổ phía Nam là khu nghỉ dưỡng, sinh thái quy mô 150ha, tổng mức đầu tư 3 tỷ USD.

Tưởng chừng như đại gia BĐS này “chia tay” Hà Nội để hướng tới Thủ Thiêm, thì mới đây thị trường lại bất ngờ với việc Đầu tư Mai Linh được làm chủ đầu tư Dự án Tháp dầu khí (nay đổi tên là Golden Palace A).

Dự án BĐS đình đám một thời này được PVC –công ty thành viên PVN triển khai đầu tư từ 2010 với chiều cao 102 tầng. Tháng 3/2011 đã điều chỉnh độ cao còn 79 tầng đồng thời kinh phí đầu tư giảm còn  600 triệu USD.

Tuy nhiên, số phận của PVN Tower không suôn sẻ khi Nhà nước có chủ trương các tập đoàn lớn phải rút khỏi BĐS, và đầu 2012 PVN tuyên bố không đầu tư dự án này nữa. Đầu 2015, dự án này lại gây xôn xao trong giới địa ốc khi khởi động lại bằng việc thay đổi chủ, và cái tên xuất hiện đó là Đầu tư Mai Linh. Đây có thể là một “ván bài mới” của những đại gia địa ốc này trong chu kỳ BĐS mới mặc dù Golden Palace A hiện nay chưa có thông tin về quy mô đầu tư ngoài những thông tin về dự án mà PVC đã công bố trước đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *