Việc đã điểm giờ tái cơ cấu ở GP Bank

Theo như ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành quyết định đình chỉ quyền, ông Tạ Bá Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Đoàn Văn An, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị và bà Tạ Thu Thủy, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Văn bản không nêu lý do đình chỉ, chỉ nêu căn cứ Luật các tổ chức tín dụng và xét thực trạng quản lý, điều hành GPBank.
Trong danh sách 9 tổ chức tín dụng phải tái cơ cấu đợt một, GPBank đứng đầu. Đã có thời GPBank được các nhà quan sát đặc biệt chú ý do khả năng có thể bán 100% vốn cho nước ngoài để chuyển thành ngân hàng 100% vốn ngoại. Sau này thông tin đó cứ nhạt dần và gần đây trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, một quan chức cấp cao NHNN cho biết GPBank có thể sẽ là ngân hàng tiếp theo được Nhà nước mua lại.
Tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Ninh Bình, GPBank có vốn điều lệ 3.018 tỉ đồng, khoảng 1.300 cán bộ công nhân viên, có 13 chi nhánh, 53 phòng giao dịch và 11 quỹ tiết kiệm tại các tỉnh, chủ yếu phía Bắc.
Theo thông tin chúng tôi thu thập được, đến cuối năm ngoái nhóm nhà đầu tư có liên quan đến hai ông Tạ Bá Long và Đoàn Văn An sở hữu tỷ lệ lớn cổ phiếu của GPBank. Các pháp nhân nắm giữ khoảng 27% cổ phần ngân hàng. Một số tổ chức nắm giữ trên 5% cổ phần bao gồm Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư FPT, Công ty Chứng khoán Agriseco.
Tài liệu công khai duy nhất mà chúng tôi tìm kiếm được là báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2010 của GPBank, theo đó tổng tài sản của ngân hàng cùng năm là 27.731 tỉ đồng, vốn huy động từ dân cư và doanh nghiệp 15.681 tỉ đồng, dư nợ cho vay 8.843 tỉ đồng. Một chuyên gia kinh tế theo dõi hoạt động ngân hàng phỏng đoán bốn năm sau, tức vào cuối năm 2014, tổng tài sản của GPBank đâu đó chừng 20.000 tỉ đồng và vốn huy động cũng khoảng ấy. Ông đưa ra con số này dựa trên quy mô nhỏ, mạng lưới hẹp và tính toán khả năng huy động vốn của mỗi chi nhánh.
Giám đốc một tổ chức đầu tư tài chính nước ngoài ở TPHCM kể trong một lần gặp gỡ một số ngân hàng ngoại, ông được biết tập đoàn tài chính Singapore khi vào khảo sát GPBank với mục đích mua lại toàn bộ ngân hàng đã thuê tổ chức giám định độc lập Colliers đánh giá lại tài sản của GPBank. Thẩm định của Colliers cho thấy giá trị hiện tại các tài sản đảm bảo của ngân hàng thấp hơn nhiều so với giá trị được định giá khi cho vay. Điều này không có gì khó hiểu bởi khi thị trường bất động sản suy thoái, giá trị đất đai, nhà cửa, phân xưởng… thế chấp biến động mạnh.
Trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông mới đây của BIDV, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV xác nhận thông tin đã hỗ trợ GPBank 2.000 tỉ đồng theo chỉ đạo của NHNN nhằm giúp GPBank duy trì thanh khoản ở mức cần thiết.
Chưa biết kịch bản xử lý nào sẽ được cơ quan quản lý áp dụng đối với GPBank. Qua mô hình xử lý Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Đại Dương, có khả năng NHNN sẽ yêu cầu các cổ đông GPBank bổ sung vốn để đảm bảo vốn điều lệ của ngân hàng đạt mức 3.000 tỉ đồng như quy định.
Nhìn lại GPBank là ngân hàng có thời gian tái cơ cấu lâu nhất. Quí 4-2012, NHNN đã trình đề án tái cơ cấu một số ngân hàng như Nam Việt, Phương Tây, Đại Tín, GPBank. Đến nay ba ngân hàng kia hoặc đã sáp nhập với ngân hàng khác, hoặc đã tái cơ cấu xong và đã bắt đầu một hành trình hoạt động mới, riêng GPBank giờ mới đến lúc tái cấu trúc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *