Văn -Sử- Địa những ngành chủ chốt của khối ngành xã hội

1. Sư phạm Ngữ văn

Chương trình đào tạo cung cấp cho bạn kiến thức cơ bản, toàn diện và hệ thống về khoa học Ngữ văn, về khoa học giáo dục; có kiến thức chuyên sâu ở mức độ nhất định để có thể tiếp tục học tập ở trình độ đào tạo cao hơn thuộc chuyên ngành: Văn học dân gian, Lí luận văn học, Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Lí luận ngôn ngữ, Phương pháp dạy học văn, Phương pháp dạy học tiếng Việt, Văn hóa học…

Trong giai đoạn ngành giáo dục tích cực đổi mới phương pháp dạy học, việc đào tạo ở các trường sư phạm cũng đã có những tiến bộ đáng kể về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học để đáp ứng thực tế dạy học ở trường phổ thông. Chính vì vậy, nhiều trường đã chủ động thiết kế chương trình đào tạo chú trọng hình thành cho sinh viên kĩ năng về nghiệp vụ sư phạm, giúp sinh viên vận dụng tốt phương pháp dạy học chung và phương pháp dạy học Ngữ văn; đồng thời thực hiện yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức tổ chức dạy – học, kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục dạy học môn Ngữ văn ở trường trung học phổ thông.

Sau khi tốt nghiệp ngành này, bạn có thể giảng dạy ngữ văn tại các trường trung học phổ thông, CĐ và ĐH, hoặc có thể làm công tác nghiên cứu tại các viện, các trung tâm, các cơ quan đoàn thể xã hội khác có nhu cầu sử dụng (hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; theo dõi và quản lí hoạt động văn hóa, văn học, ngôn ngữ…). Nếu cần, bạn có thể tiếp tục học sau ĐH để nâng cao trình độ và tìm cơ hội việc làm tốt hơn.


2. Sư phạm Lịch sử

Ngành học này cung cấp cho bạn hệ thống kiến thức toàn diện, sâu rộng về tiến trình lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại như: lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới từ cổ đại đến hiện đại, phương pháp nghiên cứu và giảng dạy lịch sử… để làm công tác giảng dạy lịch sử tại các trường phổ thông.

Hoàn thành chương trình đào tạo, bạn sẽ được cấp bằng cử nhân khoa học chuyên ngành Lịch sử và có đủ điều kiện để dự tuyển làm giáo viên trung học ở các trường THCS, THPT, làm giảng viên ở các trường ĐH, CĐ. Ngoài ra, điểm đặc biệt hơn cả là các cử nhân sư phạm ngành Lịch sử vẫn có thể làm việc ở Ban tuyên giáo huyện, tỉnh ủy; bảo tàng; hướng dẫn viên du lịch hay làm công tác nghiên cứu tại các trung tâm KHXH&NV…

3. Sư phạm Địa lí

Địa lí là một ngành học có liên quan đến cả lĩnh vực khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội. Do đó, khi học ngành này bạn sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về địa lí tự nhiên, địa lí kinh tế – xã hội, phương pháp dạy học địa lí, khoa học tâm lí giáo dục… Cụ thể, ngành sư phạm Địa lí sẽ giúp bạn hiểu biết rõ về bản chất đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của khoa học địa lí; nắm vững những tri thức địa lí cơ bản có quan hệ tới các hiện tượng, các quá trình tự nhiên cũng như kiến thức cơ bản về địa lí kinh tế – xã hội đại cương, địa lí kinh tế – xã hội của các vùng, các quốc gia trên thế giới và cả ở Việt Nam.

Đi sâu vào chuyên ngành, bạn sẽ có khả năng giải thích được các hiện tượng địa lí tự nhiên, các quá trình kinh tế – xã hội đề cập đến trong chương trình trung học phổ thông; nghiên cứu tìm hiểu tự nhiên, kinh tế – xã hội khu vực, địa phương phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập địa lí và thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội; áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương tiện dạy học hiện đại vào các quá trình dạy học địa lí ở các trường trung học phổ thông của nước ta, nâng cao chất lượng dạy học địa lí…

Sau khi tốt nghiệp dĩ nhiên bạn sẽ được cấp bằng cử nhân khoa học chuyên ngành Địa lí và có đủ điều kiện để đi dạy hoặc tìm việc làm trong các lĩnh vực như: đánh giá chất lượng và quản lí môi trường, quy hoạch, quản trị và hướng dẫn viên du lịch, dân số – xã hội… và nếu bạn muốn học cao hơn thì đó là quyền của bạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *